Giúp em chồng tự lập và có trách nhiệm với gia đình

Google News

Mẹ chồng ở quê gọi điện thoại lên gửi gắm vợ chồng cô: “Con ơi, con giúp em nhé. Có gì anh chị em bảo nhau!”.

Hai vợ chồng cô đang gặp phải một vấn đề trong việc gia đình, không phải về bố mẹ, cũng không phải là con cái mà là em chồng.

Tuấn, em trai của chồng cô, năm nay 31 tuổi nhưng tính tình vẫn như trẻ con. Cậu ấy có 1 bằng đại học chính quy tại Việt Nam về quản trị kinh doanh, 1 bằng thạc sỹ ngôn ngữ học Trung Quốc. Tuấn tốt nghiệp thạc sỹ về nước được hơn 1 năm. Trong 1 năm đó, cậu đã đổi việc ở nhiều công ty, mỗi công ty không làm quá 3-4 tháng. Lý do thì có rất nhiều như: Công việc không phù hợp với trình độ, hay lương dưới 15 triệu đồng/tháng sẽ không làm...

Giup em chong tu lap va co trach nhiem voi gia dinh

Ảnh minh hoạ.

Tuấn không ở nhà trọ nữa mà chuyển về ở cùng với vợ chồng cô hơn 3 tháng nay. Cô không phải là người tính toán, thậm chí còn mời em chồng đến ở cùng anh chị và sẵn sàng giúp đỡ em ấy khi gặp khó khăn. Nhưng việc không chịu thích nghi với hoàn cảnh sống của Tuấn khiến vợ chồng cô cảm thấy khó chịu. Nhiều tuần nay, Tuấn liên tục đi phỏng vấn xin việc. Dù công ty có nhận, cậu ấy lại đắn đo rồi từ chối.

Mấy ngày nay trời nắng nóng, phòng của cậu ấy không có điều hòa nhiệt độ khiến cô rất áy náy. Ngoài miệng thì nói: "Thế này đã là gì, em ở nhà không cần bật điều hòa đâu!", thực chất khi vợ chồng cô đi làm, cậu ấy vào phòng ngủ của anh chị bật điều hòa đến khi hai người gần về thì tắt. Chồng cô vào phòng thấy mát rượi, lại mắng vợ lúc đi không chịu tắt điều hòa.

Tuấn cũng không biết ý và có trách nhiệm với những công việc chung của gia đình. Ăn uống xong, cậu không dọn dẹp, hay hỗ trợ anh chị làm việc nhà mà chỉ biết xem ti vi, chơi game... Mẹ chồng ở quê gọi điện thoại lên gửi gắm vợ chồng cô: "Con ơi, con giúp em nhé. Có gì anh chị em bảo nhau!". Chồng cô là người rất nghiêm túc trong công việc. Anh ấy chưa khi nào tỏ ra coi thường công việc dù đó là việc gì. Buổi sáng, anh thường dậy từ 6h, tập thể dục rồi lên kế hoạch làm việc cho cả ngày. Còn em trai chồng thì 10 rưỡi, 11h mới chịu "bình minh". Cô hiểu chồng mình luôn muốn em có công việc ổn định để bố mẹ yên tâm.

Cô không biết có phải vì tính cách của Tuấn như vậy nên cậu ấy chưa yêu ai nghiêm túc được quá nửa năm. Người yêu gần đây nhất Tuấn dẫn về nhà giới thiệu với anh chị là được khoảng 1 tháng.

Tình hình cô thấy căng hơn vì em chồng luôn mong muốn có 1 cuộc sống, công việc như bên Thượng Hải, nơi mà cậu ấy đã du học. Tuy nhiên, Việt Nam là Việt Nam, có những đặc thù riêng, không thể so sánh như vậy.

Thanh Tâm cảm nhận người chị dâu này biết phân tích điều hơn lẽ thiệt. Thanh Tâm phân tích, em trai chồng của cô đã ngoài 30 tuổi, đủ tuổi trưởng thành và tự lập cuộc sống. Thanh Tâm khuyến khích vợ chồng cô để cậu ấy tự lập, trải nghiệm cuộc sống thay vì "bao nuôi" như hiện nay. Càng chăm sóc và bảo vệ, cậu ấy càng không thể thay đổi. Để có được công việc tốt, lương cao, việc đầu tiên khi tham gia vào doanh nghiệp cần chứng tỏ khả năng và sự cống hiến của mình. "Nhảy việc" liên tục, chưa làm đã đòi hỏi lương cao, cậu ấy sẽ bị "mất điểm" trong mắt chủ doanh nghiệp. Vợ chồng cô hãy để cậu ấy "tự bơi", Thanh Tâm tin rằng, cậu ấy sẽ có nhiều sự thay đổi. Cậu ấy rồi sẽ hiểu ra, dù mình có giỏi giang cỡ nào mà không thể thích nghi, không tìm con đường đi cho riêng mình sẽ phí hoài cả thời gian và kiến thức.  

Theo Thanh Tâm/Phụ nữ Việt Nam