Theo thông tin đăng tải, cách đây một tháng, bà Đinh 57 tuổi ở Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc, đã phát hiện bị ung thư ruột kết hay ung thư đại tràng giai đoạn đầu.
Theo bà Đinh, cơ thể bà đã lên tiếng cảnh báo thông qua nhiều dấu hiệu như phân không đều, táo bón, đau bụng và đầy hơi thường xuyên. Thế nhưng nghĩ do tuổi già bệnh đến, bà Đinh không ngờ đó là ung thư.
Tháng trước, các triệu chứng của bà Đinh đột ngột trở nên tồi tệ hơn, đau bụng và đầy hơi cực khó chịu, đến khi không thể chịu đựng được nữa, bà Đinh đã đến bệnh viện địa phương để nội soi và được kết luận là bị ung thư ruột kết.
|
Ảnh minh họa. |
Hoảng sợ, bà Đinh vội vã đến Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Nhân dân số 1 Hàng Châu và được Phó trưởng khoa Dương Tinh tiếp nhận. May mắn thay, bệnh ung thư ruột kết của bà Đinh ở giai đoạn đầu và chỉ cần điều trị ESD dưới ống nội soi, điều này đã giúp bà thoát khỏi nỗi đau khi phẫu thuật.
Trong thời gian bà Đinh nằm viện, ông Hoàng, 59 tuổi, chồng bà Đinh luôn túc trực bên cạnh vợ. Thấy vợ như vậy, ông Hoàng cũng muốn nội soi. Thời điểm này, ông Hoàng chỉ nghĩ rằng mình nội soi để kiểm tra thể chất.
Không ngờ, sau khi nội soi, bác sĩ cũng phát hiện ông Hoàng bị ung thư ruột kết, tình trạng nặng hơn bà Đinh, phải mổ gấp. Rất may ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ.
Qua chuyện này, ông Hoàng không khỏi bàng hoàng, sau cuộc phẫu thuật vẫn chưa hết sợ. Bác sĩ Dương Tinh, người tiếp nhận trường hợp hai vợ chồng bà Đinh ông Hoàng cũng cho biết thêm, bệnh ung thư không lây nhưng có rất nhiều trường hợp một gia đình có nhiều người bị ung thư. Tại sao lại như vậy?
Theo bác sĩ Dương Tinh, mặc dù bệnh ung thư không lây nhưng chính những thói quen sinh hoạt không tốt đã tạo cơ hội cho bệnh ung thư phát triển.
Trên lâm sàng, người ta thường thấy rằng nếu một trong hai vợ hoặc chồng bị ung thư ruột kết thì nguy cơ ung thư ruột kết của người còn lại sẽ tăng lên rất nhiều. Điều này là do thói quen sinh hoạt của vợ chồng thường rất giống nhau sau nhiều năm chung sống, thói quen xấu gây ung thư của vợ/chồng dễ ảnh hưởng đến nửa kia.
Trong trường hợp này, cả bà Đinh và ông Hoàng đều có khẩu vị nặng, thích ăn thịt kho, vịt sốt, cá muối, v.v... Con cái đi làm xa, ở nhà chỉ có hai người, đồ ăn cũng tương đối đơn giản, đại khái là mỗi ngày nấu một bữa, buổi trưa nấu một món, buổi tối hâm lại cho nóng rồi ăn. Đồ ăn thừa lại cất vào tủ lạnh rồi ăn dần. Đặc biệt là thực phẩm ngâm chua, hai vợ chồng bà đều ăn rất nhiều.
Như vậy có thể thấy, đồ ăn để qua đêm, thực phẩm nhiều calo và đường cao, thực phẩm chế biến từ thịt, đồ muối chua, đều là những yếu tố có nguy cơ cao gây ung thư dạ dày và ruột.
Bác sĩ Dương Tinh cũng nhắc nhở mọi người, ngay cả khi không có triệu chứng, tốt nhất bạn nên nội soi kiểm tra sức khỏe trước 40 tuổi.
"Không có triệu chứng" là một chiếc áo choàng tàng hình, khiến mọi người dễ bỏ qua chẩn đoán và điều trị. Hơn nữa, hầu hết các bệnh ung thư ruột đều phát triển từ các khối u tuyến ruột, chúng phát triển cực kỳ chậm, từ polyp đến ung thư ruột mất khoảng 10-15 năm.
Vì vậy, nếu công tác kiểm tra định kỳ tốt, có thể nội soi ra trước khi bệnh chuyển biến thành ung thư. Đặc biệt, nếu tiền sử gia đình có người mắc ung thư thì nên kiểm tra trong thời gian sớm nhất.
Kiều Dụ (Theo SH)