Vắc xin 2 liều của Pfizer đã được Mỹ phê duyệt đầy đủ vào ngày 23/8. Pfizer cho biết dự kiến sẽ hoàn tất đơn đăng ký liều vắc xin thứ 3 với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) vào cuối tuần này.
Nước Mỹ hiện có kế hoạch tiêm mũi nhắc lại cho tất cả người dân đủ điều kiện sức khỏe, độ tuổi trong tình trạng biến thể Delta đang lan nhanh.
Ảnh minh họa: Reuters
Các quan chức y tế cho biết, hiệu quả chống lại sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 của vắc xin sẽ giảm dần theo thời gian. Khả năng bảo vệ khỏi COVID-19 một tháng sau khi tiêm liều Pfizer thứ hai cao hơn 90% so với người không được tiêm chủng. Tuy nhiên, chỉ số này giảm xuống còn 85% sau 2 tháng và 78% sau 3 tháng.
Đối với AstraZeneca, mức độ bảo vệ tương ứng là 67%, 65% và 61%. Như vậy, loại vắc xin này vẫn duy trì hiệu quả gần như ban đầu trong thời gian 3 tháng.
Dù vậy, 3 loại vắc xin được sử dụng tại Mỹ là Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson vẫn đang có khả năng bảo vệ mạnh mẽ, hạn chế bệnh nhân nhập viện và tử vong do COVID-19.
Vào đầu tháng 8, các cơ quan quản lý Mỹ cho biết những người ghép tạng hoặc những người có hệ miễn dịch suy yếu có thể được tiêm thêm một liều vắc xin Pfizer hoặc Moderna.
Quyết định tiêm liều vắc xin tăng cường đang gây ra nhiều tranh cãi trên thế giới.
Đầu tháng 8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước giàu tạm hoãn việc tiêm liều thứ 3 trong khi hàng chục triệu người trên thế giới vẫn chưa được tiêm liều thứ 1.
Giám đốc khẩn cấp Mike Ryan của WHO nói: “Chúng ta đang có kế hoạch phát thêm áo phao cho những người đã có áo phao, trong khi để những người khác chết đuối mà không có một chiếc áo phao nào”.
Hiện tại, một số quốc gia khác cũng quyết định tiêm mũi nhắc lại cho người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch kém như ở Israel, Đức, Pháp, Anh…
Israel là nước đi đầu trong việc tiêm mũi vắc xin Pfizer thứ 3, đối tượng là những người trên 60 tuổi. Thống kê cho thấy, tỷ lệ ca bệnh COVID-19 trở nặng và tốc độ lây nhiễm ở nhóm tuổi này đang chậm lại.
Theo An Yên/VietNamNet