Ông cha có câu "Bán anh em xa mua láng giềng gần" quả thực cấm có sai. Đôi khi chính những người hàng xóm chẳng phải ruột thịt mới thật lòng đối đãi tốt với chúng ta. Thậm chí, khi có việc gì cần nhờ vả, họ cũng chẳng ngại dang tay giúp đỡ.
Bác hàng xóm gần nhà tôi cũng là một người tốt bụng như thế. Lấy chồng được 2 năm, tôi vẫn sống cùng nhà với mẹ chồng. Cách 2 nhà là đến gia đình của bác hàng xóm đáng mến kia. Vừa hay, con gái của bác ấy cũng bằng tuổi tôi. Ngày xưa chúng tôi học chung trường, chung khóa, chỉ là không cùng lớp mà thôi. Thi thoảng hồi đi học, tôi và con bác hàng xóm cũng nói chuyện với nhau trong những giờ thi cuối kỳ, bởi chúng tôi cùng tên và xếp trên dưới trong một danh sách.
Quả thực, nói về lòng tốt của bác hàng xóm thì thật khó mà liệt kê được hết. Ví dụ, những lần nấu ăn, trong nhà mà hết gạo, mắm, muối nhưng chẳng tiện mua, tôi sẽ sang nhà bác ấy xin một ít. Hoặc dịp lễ Tết, nhà bác có gói bánh chưng, trồng hoa đào thì cũng đem sang tận nhà tôi biếu. Có cành đào được biếu thôi cũng quý lắm rồi. Đặc biệt, bác ấy còn rất tin tưởng gia đình nhà tôi, đầu Xuân năm mới nhờ chồng tôi sang xông đất cho hợp tuổi nữa chứ.
Lại nói về con gái bác hàng xóm, bạn ấy tuy bằng tuổi tôi nhưng lại có con đường đi riêng. Kiểu như tôi thì suy nghĩ an phận, ở Việt Nam lấy chồng, sinh con đẻ cái lập nghiệp thôi chứ chẳng dám mơ xa xôi. Ngược lại, con bác hàng xóm sang nước ngoài làm việc, nghe đồn tháng nào cũng gửi một khoản tiền về quê cho cha mẹ. Đồng thời bạn này từ đợt sang nước ngoài nhìn cũng khác hẳn, chẳng còn giữ cái dáng vẻ hiền thục ngày xưa nữa.
Ảnh minh họa.
Khỏi phải nói, có cô con gái tự lập, giàu ý chí phấn đấu như vậy thì ai chẳng thích. Tôi nhìn được niềm tự hào về con gái trong lòng của bác hàng xóm. Bằng chứng là mỗi lần sang nhà tôi nói chuyện, bác đều khoe con gái sắm cho thứ này của nọ. Chẳng phải kiểu khoe khoang lố bịch đâu mà cực kỳ nhã nhặn, có chừng mực. Tôi cũng mừng cho bác lẫn con gái.
Nhưng mẹ chồng tôi thì không nghĩ vậy. Chẳng phải với riêng bác hàng xóm mà hễ cứ ai khoe gì đó trước mặt mẹ chồng tôi là bà lại tỏ vẻ khó chịu. Trong lòng bà ấy nghĩ chỉ do may mắn thôi. Thậm chí, một suy nghĩ cực kỳ độc hại của mẹ chồng tôi là bà ấy đang phải gánh hết sự đen đủi của thiên hạ, nên mãi chẳng khấm khá được.
Đỉnh điểm là một câu chuyện mới xảy ra ngày hôm qua.
Mấy bữa trước tôi thấy con gái bác hàng xóm có đăng hình chụp ảnh cưới lên Facebook nên cũng vào chúc mừng. Đặc biệt, phu quân của bạn ấy là một chàng Tây nhìn cực kỳ điển trai, nhã nhặn, lịch sự. Thấy bạn này có chia sẻ anh chàng Tây là một giám đốc của xưởng đồ gỗ. Nhìn loạt ảnh cưới lung linh bên bờ biển mà lòng tôi cũng phát thèm, ghen tị lắm luôn.
2 tuần nữa, bạn ấy và chồng sẽ về Việt Nam để làm đám cưới. Tôi biết thể nào bác hàng xóm cũng sang mời đến ăn cỗ cho xem. Quả đúng thật, tối qua bác sang nhà tôi, cầm theo mấy cái thiệp mời liền. Một cái để đưa tôi và chồng còn 1 cái đưa cho mẹ chồng.
Mẹ chồng tôi khi nhìn thấy tên chú rể trong thiệp bằng tiếng Anh nên đã nhíu mày hỏi "Ơ thế là nó lấy trai ngoại quốc à?"
Tôi nhanh miệng đáp "Đúng rồi đó mẹ. Chồng bạn ấy đỉnh lắm, làm giám đốc giàu có, nhìn bàn tiệc sang chảnh hết nấc!"
Sau đó, tôi cũng quay sang nói với bác hàng xóm "Thế này cháu phải đi mua ngay bộ váy mới dự đám cưới cho xinh xắn mới được!"
Nào ngờ, những lời nói tiếp theo của mẹ chồng khiến tôi đứng hình và câm nín:
"Lấy chồng Tây thích nhỉ, nhà tôi có đứa thứ hai cũng gái đó, hay sau này cho sang nước ngoài làm việc, biết đâu chăn được anh nào ngon ngon thì sao."
Bác hàng xóm chỉ cười trừ rồi vội vàng xin phép ra về để đi mời những nhà khác nữa. Trong lòng tôi ấm ức và khó chịu vô cùng. Câu nói vừa rồi của mẹ chồng, giống như là móc mỉa rằng chẳng có tình yêu nào là thật, đơn giản chỉ ăn may vớ được một chàng rể xịn mà thôi.
Liệu bác hàng xóm có tự ái sau những lời của mẹ chồng tôi không? Đang yên đang lành mà mẹ chồng cứ chêm mấy câu vô duyên vào khiến không khí mất vui.
Mọi người thử nghĩ xem tôi có nên xin lỗi bác hàng xóm thay mẹ chồng vì câu nói trên không? Liệu có khi nào là tôi nhạy cảm quá chứ mọi chuyện chẳng có gì?
Theo M.B/ Giadinh