Báo Sức khỏe & Đời sống đưa tin, vào sáng ngày 15/2/2019, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận bệnh nhân Hoàng Văn H (41 tuổi, ở Huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) vào viện do đau họng, ho ra máu.
|
Con đỉa dài 6cm sống trong thanh quản của người đàn ông suốt 2 tháng. Ảnh: SKĐS. |
Anh H có triệu chứng bệnh cách đây 2 tháng, đã đến khám tại Trung tâm Y tế huyện, được chẩn đoán viêm họng và sử dụng thuốc nhưng không đỡ. Khi đến khám tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn, bác sỹ chẩn đoán anh H có dị vật là một con đỉa sống nằm sâu trong thanh quản đến khí phế quản. Xác định, dị vật nằm ở vị trí phức tạp, nếu để lâu, đỉa chui vào người sâu hơn, gây viêm phổi, biến chứng hoại tử thậm chí tử vong.
Ngay lập tức các bác sỹ Khoa Tai mũi họng, Nội II và Thăm dò chức năng đã tiến hành hội chẩn và thống nhất gắp dị vật cho bệnh nhân ngay bằng phương pháp sử dụng nội soi khí phế quản ống mềm. Với sự cố gắng, các bác sỹ đã gắp ra con đỉa dài khoảng 6 cm, to gần bằng ngón tay út của người trưởng thành.
Con đỉa sống 3 tháng trong mũi người đàn ông
Hồi đầu tháng 1, Vietnamnet đưa tin, các bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Tương Dương (Nghệ An) đã gắp một con đỉa suối, sống ký sinh trong mũi của bệnh nhân.
Tháng 10/2018, anh Vi Văn Thái (trú tại xã Lưu Kiền) có đi vào khe suối. Sau 10 ngày, mũi trái của anh Thái bị chảy máu cam. Do chủ quan nên người này đã không đi khám.
Khi tình trạng chảy máu ngày càng nặng anh Thái mới đến Trung tâm Y tế huyện để kiểm tra.
|
Con đỉa gắp ra khỏi mũi bệnh nhân. Ảnh: Vietnamnet. |
Tại đây, các bác sĩ phát hiện có dị vật trong mũi của bệnh nhân. Sau khi tiến hành nội soi, bác sĩ gắp ra một con đỉa suối - tắc te dài khoảng 5cm, vẫn còn sống.
Theo các bác sĩ, tắc te thường sống trong môi trường nước, tại các khe suối. Khi người dân đi vào rừng, tắm hoặc uống nước suối rất dễ bị chúng chui vào mũi. Ban đầu con tắc te rất nhỏ, chỉ bằng sợi tóc. Khi chui vào mũi chúng sống ký sinh bằng cách hút máu và to dần lên như con đỉa bình thường.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên uống nước tại các khe, suối; không bơi lội trong những môi trường nước không an toàn để tránh tắc te, đỉa chui vào người.
Đỉa chui vào phổi
Hồi đầu tháng 1/2017, anh S. (Đại Từ, Thái Nguyên) nhập viện với triệu chứng như khó thở, khạc ra máu, khàn tiếng. Trước đó khoảng 10 ngày, anh có ăn rau sống. Các triệu chứng trên nặng hơn nhưng anh đi khám ở đâu cũng chỉ được chẩn đoán viêm họng.
Tuy nhiên, khi đến khám tại bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, các bác sĩ phát hiện một con đỉa rừng dài 8cm sống trong phổi. Đỉa rừng là loại thường sống ở khe suối, chúng dễ chui vào mũi, họng hay phế quản rồi sống ký sinh. Nhờ hút máu vật chủ nên chúng lớn nhanh và gây các triệu chứng như trên. Sau khi phát hiện, các bác sĩ đã gắp con đỉa ra khỏi cổ họng của anh S.
Tưởng là viêm xoang không ngờ đỉa sống trong mũi
Hồi tháng 2/2016, bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh (Khánh Hòa) cũng thực hiện thủ thuật gắp đỉa sống trong mũi bệnh nhân. Theo đó, bệnh nhân Pi Năng L (47 tuổi) nhập viện trong tình trạng chảy máu mũi, sổ mũi. Sau khi tiến hành nội soi, các bác sĩ phát hiện có một con đỉa nằm trong mũi sau và đã gắp ra.
|
Ảnh minh họa: Internet. |
Trước đó, ông L. đi khám một số nơi thì chẩn đoán là viêm xoang mũi, dùng thuốc nhưng vẫn không khỏi. Sau khi gắp con đỉa ra, nó vẫn sống, chiều dài khoảng 8cm. Nguyên nhân được ông L. dự đoán là uống nước suối khi đi làm rẫy nên đỉa chui vào mũi mà không hề hay biết.
Đỉa chui vào cổ họng
Bà Thọ Thị Xa (Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An) cảm thấy khó chịu nơi cổ họng, mệt mỏi nên đi khám tại bệnh viện nhưng không phát hiện bệnh. Tuy nhiên, khi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, cụ bà này được bác sĩ phát hiện dị vật sống trong cổ họng.
|
Ảnh minh họa: Internet. |
Các bác sĩ xác định đây là con đỉa dài 7cm, nằm ở khu vực hạ thanh môn. Khi bác sĩ gắp con đỉa ra, nó vẫn đang hút no máu.
Theo bà Xa, bà vẫn dùng nước khe suối để nấu ăn nên con đỉa chui vào cổ họng lúc nào cũng không biết. Chỉ đến khi phát hiện cục máu đông mới hốt hoảng đi khám.