Từ ngày còn rất bé, mình đã ý thức được gia đình mình rất nghèo. Năm mình 5 tuổi, cả gia đình chuyển vào Nam để kiếm sống. Bố mẹ mình hồi đó từ làm nông chuyển qua đủ nghề để kiếm từng đồng: Từ đan lát ghế mây, làm công nhân xưởng gỗ, đến kinh doanh buôn bán tạp hóa... Lúc đó còn thuê nhà của một người quen để ở. Có những tháng hết tiền chưa kịp lãnh lương, phải vay gạo, vay tiền để qua bữa. Sống trong hoàn cảnh đó nên bản thân mình chưa từng được tiếp xúc với một cục tiền lớn.
Đến năm mình học cấp 3, gia đình cũng đã có kinh tế hơn một chút. Nhưng mình chỉ biết số tiền bố mẹ kiếm được vừa đủ lo cho hai chị em ăn học, vẫn còn nhiều khoản phải chật vật. Bản thân lớn lên trong hoàn cảnh này, nên mình hiểu được sự tiết kiệm của mẹ: Những bữa cơm đơn giản không bày biện, quần áo mấy năm liền không thấy mẹ sắm mới, đồ đạc trong nhà dùng cho tới khi không thể nữa mới bỏ, tivi, tủ lạnh hay xe máy đều là đồ cũ... Nhưng chưa bao giờ thấy bố mẹ phải cãi nhau về chuyện tiền nong. Ấy vậy, mẹ mình lại có thể tiết kiệm đến 700 triệu đồng.
|
Không cần biết bạn kiếm được bao nhiêu, nhưng phải luôn có cách tiết kiệm của riêng mình. (Ảnh minh họa Pinterest)
|
Công việc hiện tại của bố mẹ có thể kiếm được khoảng 12-15 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng số tiền này vẫn phải nuôi một gia đình có 4 người: bố mẹ, em gái và bà nội. Lúc này mình mới hiểu sâu sắc được một điều về cách quản lý tài chính: Không cần biết bạn kiếm được bao nhiêu, nhưng phải luôn có cách tiết kiệm của riêng mình.
Bản thân mình đi làm được hơn 5 năm, tiền kiếm lúc được lúc không. Đôi lúc cũng phụ bố mẹ tiền đóng học cho em, thuốc thang cho bà, hay những khoản đám đình làng xóm. Với mức thu nhập dao động từ 15-17 triệu/tháng, sau khi cấn trừ hết chi tiêu thì mình còn dư vài triệu bỏ tiết kiệm. Nhưng sau khi biết được cách mẹ quản lý tiền nong, mình thấy vẫn còn nhiều điều cần học hỏi.
Mình biết có một thói quen của người trẻ, là thích mua sắm linh tinh. Ngay cả mình cũng mắc phải những sai lầm cơ bản này. Vì từ nhỏ thiếu thốn, nên mình có xu hướng bù đắp bằng đồ đạc khi kiếm được tiền. Nhưng mẹ mình nói: Đồ đạc sẽ chỉ làm con càng thấy thiếu thốn hơn thôi!
Mẹ mình lý giải: Khi càng mua sắm đồ đạc, sẽ càng có những món đồ tốt hơn chờ đợi mình ở phía trước. Con người từ đó cũng không học được cách biết đủ. Một khi không hài lòng với những gì mình đang có, con sẽ mãi cảm thấy cần phải có đồ mới để bù đắp lại. Đấy là một sự lãng phí không cần thiết!
Có những năm tháng, gia đình mình chỉ kiếm được vài triệu đồng. Nhưng mẹ mình nói, khi đó vẫn cố để ra một ít tiền tiết kiệm. Vì gia đình nghèo, nên một khi cần đến tiền sẽ rất khó xoay xở, buộc chính mình phải có sự chuẩn bị cho những hoàn cảnh cấp bách.
Mẹ mình luôn lo xa. Những thứ bỗng chốc ập đến buộc bạn phải tiêu xài đến tiền không hề ít: Chi phí phát sinh trong cuộc sống thường ngày, ốm đau, bệnh tật... đủ cả. Vậy nên, dù kiếm được ít hay nhiều, mẹ mình vẫn giữ thói quen để dành tiền.
Mẹ không có sở thích mua sắm gì, ngoài mua vàng. Mỗi dịp Tết đến mình luôn muốn mua gì đó tặng bố mẹ. Hỏi thì mẹ chỉ có một món duy nhất muốn mua: Vàng. Vì với mẹ, vàng là của để dành, cũng là thứ an toàn nhất có thể cất giữ được nhiều năm. Mẹ cũng hay bảo "Cất cho con gái sau này làm của hồi môn". Lần nào nghe cũng rớt nước mắt.
Mẹ chia khoản tiết kiệm 700 triệu ra làm 2 nửa: Một nửa gửi ngân hàng để khi nào con cái cần có thể chuyển luôn. Một khoản còn lại là để mua vàng. Tất cả tích góp cũng chỉ để dành phòng thân cho các con.
Và chốt lại bằng câu mẹ hay nói: "Ăn dè ở tiện cũng được, nhưng dù có dư dả cũng phải tiết kiệm phòng lúc bần hàn. Không nên bóc ngắn cắn dài, làm 10 phần thì chỉ nên tiêu 5 phần thôi!"
Theo Nguyễn Quỳnh Trang/Phụ nữ Việt Nam