Thông tin từ Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, bệnh nhân COVID-19 thứ 91 là nam phi công người Anh hiện vẫn trong tình trạng rất nguy kịch.
|
Bệnh nhân 91 bị rối loạn đông máu, mắc hội chứng "cơn bão cytokine" - phản ứng miễn dịch dữ dội. Ảnh minh họa. |
Kết quả xét nghiệm mới nhất ngày 6/5 mẫu bệnh phẩm dịch tị hầu của nam phi công người Anh cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, trong khi mẫu máu và dịch rửa phế quản âm tính. Như vậy, sau 5 lần liên tiếp âm tính, nam bệnh nhân này lại dương tính trở lại với SARS-CoV-2 tại mẫu lấy ở vị trí tị hầu. Ngoài ra, men gan bệnh nhân tăng, xét nghiệm tầm soát nhiễm trùng có xu hướng tăng, siêu âm cho thấy tràn khí màng phổi phải ít.
Nam phi công người Anh, 43 tuổi, cao 1.83m, nặng 100kg (chỉ số khối cơ thể là 30.1 - có yếu tố béo phì) được can thiệp ECMO từ hôm 6/4. Từ thời điểm nhập viện đến nay, bệnh nhân đã ở ngày thứ 51 trong quá trình điều trị, trong đó có 32 ngày điều trị ECMO, tình trạng bệnh liên tục có diễn tiến nặng, đe dọa tính mạng.
Đến sáng nay, bệnh nhân vẫn tiếp tục trong tình trạng nguy kịch, men gan tăng, nhiễm trùng tăng, 2 phổi đông đặc và co nhỏ trong khi vài ngày trước, bệnh nhân chỉ đông đặc phổi phải và 1/2 phổi trái. Do đó, Hội đồng chuyên môn đang xem xét phương án ghép phổi cho bệnh nhân 91.
Một nguy cơ khác đáng ngại đối với bệnh nhân 91 là rối loạn đông máu. Bệnh nhân mắc hội chứng "cơn bão cytokine", phản ứng miễn dịch dữ dội, tức hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. Do bệnh nhân kháng toàn bộ các loại thuốc rối loạn đông máu đang được dùng trong nước, Bộ Y tế đã phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị cho bệnh nhân này.
Hội chứng giải phóng cytokine của bệnh nhân 91, còn được gọi là cơn bão cytokine. Đây là hội chứng viêm toàn thân cấp tính, hoặc phản ứng miễn dịch quá mức, đặc trưng bởi sốt và rối loạn chức năng đa cơ quan...
Một lượng lớn dữ liệu cho thấy cơn bão cytokine xảy ra ở nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 nặng có thể là nguyên nhân dẫn đến tử vong.
Virus SARS-CoV-2 gây ra phản ứng cytokine/chemokine quá mức và kéo dài ở một số người bị nhiễm bệnh, được gọi là cơn bão cytokine. Cơn bão cytokine gây ra ARDS hoặc rối loạn chức năng đa cơ quan, dẫn đến tử vong. Kiểm soát kịp thời cơn bão cytokine ở giai đoạn đầu thông qua các biện pháp như điều hòa miễn dịch và đối kháng cytokine, cũng như giảm thâm nhiễm các tế bào viêm ở phổi, là chìa khóa để cải thiện tỷ lệ thành công điều trị và giảm tỷ lệ tử vong của bệnh nhân mắc COVID-19.
|
Một lượng lớn dữ liệu cho thấy cơn bão cytokine xảy ra ở nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 nặng có thể là nguyên nhân dẫn đến tử vong. Ảnh: Internet. |
Cơn bão cytokine được biết là xảy ra trong các bệnh tự miễn như viêm khớp vị thành niên, một số loại điều trị ung thư và có thể được kích hoạt bởi nhiễm trùng, như cúm. Một nghiên cứu trên những bệnh nhân tử vong vì cúm H1N1, cho thấy 81% có dấu hiệu của cơn bão cytokine.
TS. Mukesh Kumar, nhà virus học và miễn dịch học, Đại học bang Georgia ở Atlanta, đã nghiên cứu cách cơ thể phản ứng với nhiễm trùng. Ông cho hay, khi lây nhiễm vào tế bào, virus tự sao chép rất nhanh. Khi đó, các tế bào bắt đầu gửi tín hiệu SOS. Tế bào nào cảm nhận sự khác lạ sẽ có phản ứng tức thời là tự giết mình (một cơ chế bảo vệ để nó không lây lan sang các tế bào khác). Một số loại cytokine kích hoạt tế bào chết. Khi cơ thể có nhiều tế bào làm điều này cùng một lúc, rất nhiều mô có thể chết. Trong COVID-19, mô đó chủ yếu nằm trong phổi. Khi các mô bị phá vỡ, các túi khí nhỏ bé bị rò rỉ và chứa đầy chất lỏng, gây viêm phổi và làm thiếu oxy máu. Khi phổi bị tổn thương nặng sẽ dẫn đến hội chứng suy hô hấp. Sau đó các cơ quan khác bắt đầu bị ảnh hưởng.
TS. Kumar thấy rằng, lượng cytokine được sản xuất bởi các tế bào để đáp ứng với nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn khoảng 50 lần so với khi đáp ứng với nhiễm virus Zika hoặc West Nile.
Video "Trung Quốc chế tạo robot điều trị Covid-19". Nguồn: VTC Now.
Trước sự nguy hiểm của hội chứng này, các bác sĩ trên thế giới phải thử nghiệm nhiều phương pháp để làm dịu phản ứng của hệ miễn dịch, cứu sống bệnh nhân COVID-19.
Báo cáo về ca bệnh mắc hội chứng cytokine cũng được đăng tải trên tạp chí y khoa Annals of Oncology, với đóng góp nghiên cứu của các nhà khoa học Italy và Trung Quốc. Tất cả đều đồng ý rằng tocilizumab có thể là phương thuốc hiệu quả để điều trị COVID-19 ở một số trường hợp cụ thể.
Bên cạnh nghiên cứu phương pháp điều trị, các nhà khoa học cũng cố gắng tìm hiểu lý do hệ thống miễn dịch của một số bệnh nhân gặp phải tình trạng nguy hiểm trên. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ chưa quen thuộc với khái niệm này và không rõ cách thức điều trị.
Chế ngự cơn bão cytokine không phải là một việc làm mới mẻ. Trong hai thập kỷ qua, giới chuyên gia đã nắm bắt về chẩn đoán và điều trị các hội chứng bão cytokine. Tuy nhiên, đối với cuộc chiến chống COVID-19, các chuyên gia y tế phải luôn cảnh giác đối với cơn bão cytokine và có sự chuẩn bị để xác định và điều trị phù hợp là rất quan trọng.
Thảo Nguyên (TH)