Hong Kong: Tìm thấy virus SARS-CoV-2 trong đường ống chung cư

Google News

Chính quyền Hong Kong hôm qua, 17/3, tuyên bố sẽ bắt đầu kiểm tra ống thông hơi của tất cả các toà chung cư nơi có các ca mắc Covid-19 được ghi nhận.

Hong Kong: Tim thay virus SARS-CoV-2 trong duong ong chung cu
Nhân viên y tế ở chung cư Hong Mei (Hong Kong, Trung Quốc). Ảnh: Reuters. 
Quyết định này được đưa ra sau khi kết quả xét nghiệm cho thấy virus SARS-CoV-2 trong đường ống nước thải một khu nhà chung cư ở Tai Po.
Cụ thể, có 4 trong số 12 mẫu thử thu thập từ Heng Tai House (Tai Po, Hong Kong) cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Một người sống tại Heng Tai House đã được xác nhận mắc Covid-19 hôm thứ Bảy. Bệnh nhân là một người đàn ông 59 tuổi, sống ở căn hộ số 13, tầng 34.
Cũng tại Heng Tai House, một cặp đôi khác được xác nhận nhiễm bệnh khi trở về từ kì nghỉ ở Ai Cập. Cặp đôi này sống trong căn hộ số 13, tầng 32.
Trong số 4 mẫu thử dương tính SARS-CoV-2, có 2 mẫu được lấy từ một ống nước thải còn nguyên vẹn và một ống nước thải đã bị cắt trong toilet của căn hộ tầng thấp. Một mẫu được lấy từ bề mặt ống thông hơi trong nhà vệ sinh của một căn hộ tầng cao. Và mẫu còn lại được lấy từ bề mặt bên trong ống thông hơi trên sân thượng toà nhà.
Kết quả trên ủng hộ giả thuyết được đưa ra trước đó, rằng các phần tử nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể đã đi qua ống thông hơi, và bị hoá ẩm ở miệng ống thông hơi trên tầng thượng.
Từ đó, gió đưa những hạt nước li ti mang virus xâm nhập trở lại những căn hộ ở tầng cao nhất.
Trước đó, hồi giữa tháng Hai, nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc – Zhong Nanshan đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vệ sinh hệ thống đường ống trong việc phòng chống sự lây lan của virus corona gây dịch Covid-19.
“Hệ thống đường ống thoát nước vô cùng quan trọng”, ông Zhong nhấn mạnh hai lần trong cuộc họp báo hôm thứ Ba, 18/2, tại Quảng Châu (Quảng Đông, Trung Quốc).
“Hãy nhớ đến trường hợp Amoy Gardens”, ông Zhong nói, đề cập đến trường hợp một toà chung cư ở Hong Kong biến thành ổ dịch vì sự lây lan của virus qua đường ống cống.
Cụ thể, năm 2003, trong dịch viêm đường hô hấp cấp SARS, hơn 300 người tại tòa chung cư Amoy Gardens (Hong Kong) được cho là đã nhiễm bệnh sau khi những giọt nước chứa virus lây lan từ tầng này sang tầng khác trong hệ thống ống nước thải.
“Hàng trăm người đã nhiễm bệnh và hơn 20 người đã thiệt mạng vào thời điểm đó. Gió có thể đưa virus đi xa tới những nơi khác, thậm chí với cả chất thải khô, do vậy các hệ thống đường ống rất quan trọng”, ông Zhong nhấn mạnh.
Một trường hợp tương tự đã xảy ra trong mùa dịch Covid-19, khi chính quyền Hong Kong xác nhận đã có 2 trường hợp mắc bệnh dù sống cách nhau 10 tầng nhà trong toà chung cư Hong Mei. Hai bệnh nhân gồm một người phụ nữ 62 tuổi, sống trong căn hộ số 307, và một cụ ông 75 tuổi, sống trong căn hộ số 1307.
Hong Mei là toà chung cư cao 35 tầng trong khu nhà ở xã hội Cheung Hong ở Tsing Yi.
Hơn 100 cư dân trong tòa nhà đã được sơ tán vào ngày 12/2, theo truyền thông địa phương.
Vincent Ho Kui-yip, cựu chủ tịch Viện Khảo sát Hong Kong, người tham gia đoàn kiểm tra toà chung cư Hong Mei và các khu nhà ở khác, cho biết ông đã bắt gặp ít nhất một trường hợp người dân tự ý thay đổi đường đi của hệ thống ống.
“Người dân thay đổi và chuyển hướng đường ống để có thêm không gian. Vì nhà vệ sinh khá chật”, ông Ho nói. “Nhưng họ không bịt đường ống đúng cách, nên virus có thể xâm nhận vào căn hộ qua khe hở này.”
Theo Minh Hạnh/Tiền Phong