Viêm bờ môi, thâm môi
Nguyễn Quỳnh A. 23 tuổi, đang làm nhân viên văn phòng tại Thanh Xuân, Hà Nội đến khám vì môi thường xuyên bị khô, quanh bờ môi đóng vảy, có chảy dịch như dạng nhựa rất khó chịu, khiến em mất tự tin.
Quỳnh A. tâm sự, tết vừa qua em có mua một thỏi son trên mạng, được quảng cáo là hàng xách tay của Đức. Tuy nhiên dùng được 1 ngày cô cảm giác khô môi ngay lập tức. Nghĩ do thời tiết nên Quỳnh A. kết hợp với son dưỡng.
|
Nứt nẻ môi vì son |
Tình trạng môi khô, tạo vảy trắng cứ xuất hiện liên tục khiến Quỳnh A. tự ti. “Môi rất khó chịu bác sĩ ạ, nó cứ khô và bạc trắng ra. Em phải mua tetaxilin về bôi nhưng chỉ được vài hôm tình trạng khô và nứt kẽ bờ môi xuất hiện” - Quỳnh A kể với bác sĩ.
Ngay sau đó, bác sĩ chẩn đoán cô bị viêm bờ môi do dị ứng mỹ phẩm.
TS Lê Hữu Doanh – Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu trung ương cho biết, Bệnh viện Da liễu trung ương vẫn tiếp nhận những bệnh nhân viêm da tiếp xúc phần môi miệng, hoặc biến đổi sắc tố da vì son có chứa hàm lượng chì.
Lý giải về có chì trong son, bác sĩ Doanh cho rằng, hàm lượng chì luôn có trong oxit mầu, do vậy mà trong son thường có một hàm lượng nhất định chì.
Thông thường thành phần của son môi bao gồm sáp, dầu, chất tạo màu và chất tạo mùi. Chất tạo màu có hai loại: màu thực phẩm và bột màu. Thực tế thì chì không được bổ sung vào mỹ phẩm phục vụ cho con người vì bất kỳ mục đích nào.
Tuy nhiên, hàm lượng chì lại thường xuất hiện trong chất tạo màu dạng bột, đặc biệt là màu đỏ, màu cam. Ngoài ra, chì còn xuất hiện dưới dạng tạp chất của các thành phần làm nên son môi như dầu paraffin, vaseline cũng như các oxit kim loại như kẽm oxit và titan đioxit. Đó là lý do vì sao, mặc dù chì là chất cấm đưa vào mỹ phẩm, tuy nhiên nó vẫn có mặt trong các sản phẩm làm đẹp.
Nên lau son trước khi ăn
PGS TS Phạm Duệ - Nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, một lần ông trò chuyện với một cô MC, cô ấy hỏi, liệu cô có khả năng nhiễm chì không khi thường xuyên dùng son và thường táo bón, mệt mỏi.
BS khuyên cô MC này đi khám, kết quả khám răng miệng thấy bờ môi thâm và có ánh kim loại nên cho thử máu tìm chì. Lúc này hàm lượng chì đã cao hơn mức cho phép trong cơ thể. Bác sĩ Duệ cho biết bệnh nhân phải được thải chì trong máu.
Theo PGS Duệ, dù MC này chỉ nhiễm độc chì qua da nhưng vẫn được coi là ngộ độc chì và phải điều trị.
Chị em có thói quen sử dụng son, nhất là son đậm màu, lâu dần có thể dẫn đến ngộ độc chì mà không biết.
PGS Duệ chưa nghiên cứu về chì trong son nhưng theo ông rất khó để phân biệt son có chứa chì hay không mà cần làm xét nghiệm ở các labo để biết hàm lượng chì trong son như thế nào.
Vì thế các bác sĩ thường khuyên người sử dụng nên hạn chế các loại son màu đậm và trước khi ăn nên lau sạch son để son không vào trong miệng.
Theo Khánh Ngọc/Infonet