Phương pháp này không chỉ giúp giảm lượng kháng sinh, giảm đau khi thay băng vết thương mà còn rút ngắn thời gian lành vết thương, tránh hoại tử và giảm cắt cụt chi.
Hơn 70% bệnh nhân ĐTĐ bị biến chứng bàn chân
ThS Đặng Thị Mai Trang, Phụ trách khoa Chăm sóc bàn chân, BV Nội tiết T.Ư cho biết, biến chứng loét bàn chân (BCLBC) là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến người bệnh ĐTĐ phải nhập viện và là một biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong hoặc cắt cụt chi cho BN. Tại BV Nội Tiết T.Ư, có tới 70% BN ĐTĐ lần đầu đi khám đã phát hiện có biến chứng bàn chân với nhiều triệu chứng và dấu hiệu khác nhau như lạnh chân, giảm cảm giác bàn chân, tê bì, dị cảm đầu ngón chân hoặc cả bàn chân, khô da, viêm da, viêm móng, có cục chai hoặc sần da ở lòng bàn chân...
|
ThS Đặng Thị Mai Trang đang chăm sóc vết thương cho bệnh nhân. |
Nguy cơ trọn đời xuất hiện một vết loét chân ở người bệnh ĐTĐ là 15%; 85% số trường hợp bị cắt cụt chi có khởi đầu từ loét bàn chân; người bệnh ĐTĐ cũng có nguy cơ bị cắt cụt chi cao gấp 15 – 40 lần so với người không mắc bệnh này. Bởi BCLBC là hậu quả do tổn thương thần kinh ngoại vi và tổn thương mạch máu ngoại vi đã làm mất cảm giác bảo vệ, chân người bệnh bị tê bì, dị cảm hoặc không thấy đau, không phát hiện ra tổn thương dẫn đến loét, hoại tử và cắt cụt chi dưới. Tỷ lệ tử vong sau cắt đoạn chi thay đổi từ 13 - 40% sau 1 năm, 35 - 65% sau 3 năm và 39 - 80% sau 5 năm.
Liền vết thương nhanh, giảm cắt cụt
ThS Đặng Thị Mai Trang cảnh báo, điều trị vết thương bàn chân cho BN ĐTĐ rất nan giải và tốn kém. Từ một vết thương nhỏ, trầy xước ở da chân có thể thành vết thương nặng sau vài ngày. Nếu BN tự điều trị ở nhà sau 1 tuần thì khi đến viện đã có thể trở thành nhiễm trùng nặng toàn thân, nhiễm trùng máu, phải cắt cụt chi. Chi phí điều trị có khi lên đến hàng trăm triệu vẫn không cứu được tính mạng. Thực tế, loét bàn chân là một biến chứng phức tạp, xuất hiện do nhiều tổn thương phối hợp bao gồm biến chứng: Mạch máu làm giảm nuôi dưỡng bàn chân, thần kinh làm giảm vận động và cảm giác của bàn chân, chấn thương và nhiễm trùng. Với người bệnh ĐTĐ, khi bị BCLBC vết thương sẽ khó chữa lành. Bởi khác với người bình thường, vết loét chân ở BN ĐTĐ rất khó liền vì ít được cung cấp đủ máu, do đó vùng tổn thương vừa không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng và ôxy, vừa không có đủ các tế bào máu như bạch cầu đến để tấn công vi khuẩn và các tế bào chết cũng không được dọn dẹp kịp thời. Mặt khác, đường máu cao sẽ ức chế các hoạt động của bạch cầu, làm giảm hiệu quả của các phản ứng viêm chống nhiễm khuẩn. Do vậy, vết thương rất dễ bị nhiễm trùng lan rộng và khó liền, khi đó bắt buộc phải cắt cụt.
Cũng theo ThS Đặng Thị Mai Trang, nguyên tắc điều trị BCLBC do ĐTĐ là phải loại tổ chức hoại tử, làm sạch vết thương; duy trì mức gluocse máu gần như sinh lý; kháng sinh toàn thân chống nhiễm trùng; giảm tải trọng lên vết thương; duy trì độ ẩm vừa phải trên bề mặt vết thương để tạo điều kiện cho tổ chức hạt hình thành và phát triển. Khi chưa áp dụng máy VAC, một vết loét gót chân phải điều trị nhiều tuần cho đến nhiều tháng vẫn không lành, ổ loét có thể diễn biến nặng, viêm xương, lan rộng và hoại tử. Máy VAC giúp ích nhiều cho việc cải thiện tuần hoàn tại chỗ vết thương, kiểm soát dịch tiết và kích thích tạo ra tổ chức hạt, rút gắn thời gian lành vết thương xuống một nửa thời gian. Theo đó, vết thương sau cắt lọc tổ chức hoại tử được rửa sạch, đặt một miếng bọt xốp vô khuẩn lên bề mặt vết thương cắt sao cho vừa khít; đặt đầu nối với máy hút lên trên miếng xốp rồi băng kín lại rồi nối vào máy hút. Máy hút áp lực âm dựa vào áp lực âm tác động lên vết thương giúp: Loại bỏ dịch rỉ ngoại bào và dịch tiết từ vết thương; giữ ẩm; giảm lượng vi khuẩn; loại bỏ các enzym có hại; ép và giãn vết thương theo chu kỳ, đưa oxy đến tế bào... nhờ đó vết thương mau lành, tránh nhiễm trùng phải cắt bỏ chi.
Thúy Nga