PGS.TS Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai thông tin: BV vừa cứu thành công trường hợp bị phản vệ nguy kịch, biến chứng ngừng tuần hoàn hết sức hiếm gặp.
Bệnh nhân Mai Thị Liễu (34 tuổi, Yên Sơn, Tuyên Quang) được chẩn đoán loét dạ dày, có chỉ định dùng hỗn hợp thuốc chống vi khuẩn HP và thuốc ức chế. Sau 3 ngày uống có biểu hiện dị ứng tăng dần như da đỏ, phù mặt, bồn chồn, khó chịu...
Bệnh nhân vào BV Hùng Vương (Phú Thọ) khám ngày 13/5 với chẩn đoán sốc phản vệ, chỉ định dùng các thuốc chống dị ứng nhưng tình trạng không cải thiện, đến ngày 16/5, dần rơi vào hôn mê, co giật, suy hô hấp nặng và ngừng tuần hoàn. lãnh đạo BV Hùng Vương đã gọi điện cho GS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức, cấp cứu và chống độc Việt Nam xin hỗ trợ.
GS Bình song song giữ liên lạc tư vấn từ xa, đồng thời cử BS Phạm Thế Thạch, khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai trực tiếp điều 1 đội cấp cứu đến Phú Thọ để hộ tống chuyển bệnh nhân lên BV Bạch Mai.
|
Chị Liễu vỡ òa hạnh phúc bên người thân vì được cứu sống |
Chiều 16/5, bệnh nhân được chuyển thẳng đến khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng rất nguy kịch, suy cùng lúc 5 tạng, suy hô hấp nặng, thở máy, hôn mê sâu, suy tuần hoàn nặng, huyết áp xuống rất thấp chỉ còn 60/40mmHg trong khi tim đập nhanh 170 lần/phút, phù phổi cấp, rối loạn đông máu nặng, suy thận cấp, rối loạn chuyển hóa nặng…
Bác sĩ chẩn đoán đây là một trường hợp phản vệ nguy kịch với biến chứng ngừng tuần hoàn, chảy máu phổi, trong khi tim đập rất yếu nên không thể tiếp tục dùng thuốc. Sau 15 phút vào viện, bác sĩ chỉ định áp dụng ngay kĩ thuật ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể).
PGS.TS Đào Xuân Cơ, trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai cho biết, nhờ ECMO, nhịp tim của bệnh nhân giảm từ 170 xuống 120 và 80 lần/phút, sau đó tim ngừng đập 5 ngày liên tiếp, điện tim luôn là đường thẳng, gần như không có hoạt động co bóp.
Đến ngày thứ 6, một chút hy vọng lóe lên khi tim bắt đầu hoạt động trở lại, nhịp tăng từ 50 lên đến 90 lần/phút, siêu âm thấy tim bắt đầu co bóp tốt hơn nhưng tình trạng suy đa tạng chưa cải thiện nhiều.
Bệnh nhân tiếp tục được ECMO, lọc máu liên tục, thở máy, truyền các chế phẩm máu, kháng sinh, duy trì thuốc chống đông…
Đến ngày thứ 12, bác sĩ chỉ định dừng ECMO khi tim đã hồi phục tốt hơn, bệnh nhân tỉnh táo hơn, tuy nhiên vẫn tiếp tục phải thở máy và lọc máu.
8 ngày kế tiếp, tình trạng bệnh nhân tốt dần lên, chỉ còn thở oxy liều thấp, hết suy đa tạng và bắt đầu tập hồi phục chức năng.
Đến chiều ngày 22/6, sau hơn 1 tháng điều trị, bệnh nhân đã được xuất viện trong niềm hạnh phúc vỡ òa của gia đình và bác sĩ.
Tâm An