Hiện nay, các quảng cáo bán sôcôla, kẹo mút cần sa đang xuất hiện đầy rẫy trên mạng xã hội. Đó là mẫu kẹo que có vỏ màu xanh lá, được quảng cáo là món "đồ ăn lạ", giá chỉ 27-35 nghìn đồng/que, sôcôla có loại đen và sữa, cũng chứa tinh dầu, hạt cần sa.
Những người bán sản phẩm này quảng cáo sản phẩm được đặt hàng từ châu Âu, mỗi tuần hàng về 2 lần. Những thông tin này khiến nhiều người lo ngại vì kẹo là món khoái khẩu của nhiều trẻ em.
Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, Hà Nội cho biết việc sử dụng kẹo có cần sa đã được nhiều nước trên thế giới báo cáo. Một số nước không cấm cần sa và nó được sử dụng cho vào kẹo, bánh.
|
Kẹo chứa cần sa được rao bán trên mạng.
|
Cần sa là loại ma túy được chế từ hoa và lá khô của cây cần sa tên latin là Cannabis Sativa. Loại ma túy này còn được biết đến với những tên khác như "cỏ", bồ đà, tài mà...
Cần sa nhìn giống như thảo cỏ, lá chè khô và có thể còn hạt hoặc còn các cành nhỏ. Cần sa có thể màu xám, xanh lá cây hoặc màu nâu. Cần sa thường được lăn bằng tay thành thuốc cuốn để hút, hoặc được hút bằng ống điếu. Một số người còn trộn cần sa với thức ăn như bánh ngọt hoặc bánh quy để ăn. Cần sa cũng có thể được trộn lẫn để hút cùng thuốc lá. Trẻ em sử dụng cần sa có thể gây nghiện.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng với liều dùng nhỏ, ảnh hưởng của cần sa có thể kéo dài trong vòng 5h đồng và người sử dụng có thể cảm thấy khỏe khoắn và sảng khoái một cách lạ thường, giữ thăng bằng và kiểm soát cơ thể kém, khó tập trung, nhịp tim nhanh hơn, mất tập trung vào công việc khác.
Những ảnh hưởng này thường làm người sử dụng cảm thấy mọi thứ đều chậm chạp và có cảm giác buồn ngủ.
Tiến sỹ Hùng cho rằng cần phải nghiêm cấm kẹo chứa cần sa vì tại Việt Nam, cần sa được xem là ma túy và bị cấm.
Tiến sỹ Hùng cho biết trước đó, ông đã từng điều trị cho một nam sinh là Việt kiều Canada bị nghiện cần sa do thường xuyên ăn bánh kẹo chứa cần sa. Còn tại Việt Nam, chưa có bệnh nhân nào nghiện cần sa qua ăn kẹo, bánh.
Một chuyên gia về nghiện chất của Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho rằng cần mang kẹo nghi chứa cần sa đi xét nghiệm mới có khuyến cáo chính xác. Tuy nhiên, về mặt chuyên môn, vị bác sĩ này cho rằng nếu thực sự kẹo có chứa cần sa sẽ rất đắt đỏ, chứ không thể có giá vài chục nghìn một cây kẹo như quảng cáo.
Hơn nữa, nếu kẹo có chứa lá cần sa thì mùi vị rất khó chịu nên người ta chỉ sử dụng được dẫn chất mà dẫn chất này cũng rất đắt.
Tuy nhiên, việc xét nghiệm cũng không hề dễ dàng. Tại TP.HCM, mới có 3 nơi có thể xét nghiệm được kẹo đó có chứa cần sa hay không, như Trung tâm giám định pháp y, Trung tâm xét nghiệm ở Hoàng Văn Thụ...
Tuy nhiên, vị bác sĩ này cũng cho biết năm 2018, Bộ Công an đã từng giám định loại kẹo này và được kết quả âm tính không chứa ma túy.
Ở Việt Nam, cũng như nhiều loại ma túy khác, việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng và tổ chức cho người khác sử dụng cần sa là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu bị phát hiện, người vi phạm sẽ bị bắt giữ, xử lý theo pháp luật hiện hành.
Theo K.Chi / Infonet