Khác biệt về văn hóa, khoảng cách về tuổi tác không cản trở chị T. đến với người chồng mang quốc tịch Mỹ, một thương nhân buôn bán kim cương giàu có.
Năm 2012, đến với người chồng ngoài 70 tuổi, người phụ nữ ngoài 30 như chị T. đã hạnh phúc vô vàn khi sinh được cô con gái. Nhưng rồi hạnh phúc của họ kéo dài không lâu khi sinh con xong, chị T. gặp phải chứng trầm cảm sau sinh.
Chị bắt đầu cáu gắt, to tiếng. Người chồng lớn tuổi không chấp nhận sự thay đổi. Năm 2013, khi con gái 7 tháng tuổi, vợ chồng chị ly thân, con gái ở với bố.
|
Ảnh minh họa. |
Công việc kinh doanh khiến "đại gia kim cương" phải thường xuyên di chuyển khắp các châu lục. Đi đâu ông cũng mang theo con gái nhỏ.
Cuối tháng 6, chị T. một mình đến TAND Hà Nội để giải quyết ly hôn với người chồng quốc tịch Mỹ. Chồng chị không có mặt tại tòa mà ủy quyền cho luật sư.
Mang tâm trạng của người mẹ muốn giành quyền nuôi con, chị T. cho rằng, người chồng 75 tuổi của mình hoàn toàn không có khả năng chăm sóc con.
Trong khi đó, luật sư của chồng chị T. đề nghị Tòa xem xét cách nuôi dy con của chị vì chồng chị cho rằng - chị thường hay mắng con. Hơn nữa việc chị T. có quan hệ với người đàn ông khác sẽ ảnh hưởng không tốt tới con gái nhỏ. "Đại gia" người Mỹ đề nghị được nuôi con.
Vừa nghe luật sư truyền đạt ý kiến của chồng, chị T. đứng dậy nói: "Tôi không đồng ý. Con tôi là con gái, ở với mẹ tốt hơn nhiều về phát triển. Chồng tôi thường xuyên phải di chuyển giữa các châu lục sẽ không tốt cho sự phát triển về thể chất và học tập của con tôi".
Theo trình bầy của chị T., lúc đầu chị đồng ý để chồng mang con gái sang Hồng Kông vì giữa họ có thỏa thuận - chị sẽ được thường xuyên thăm gặp con. Tuy nhiên chồng chị đã không giữ lời hứa.
Chị T. cho hay, năm 2014, vợ chồng chị có kế hoạch sẽ cùng nhau đoàn tụ ở Mỹ. Thế nhưng lời hứa đó đã không được chồng chị thực hiện.
Đến Noel năm 2016 và Tết dương lịch 2017, chị T. không biết chồng con ở đâu. Chị đã vô cùng hoảng sợ và hoang mang, cố gửi thư, điện thoại cho chồng. Nhưng gọi 10 cuộc, chồng chị chỉ một lần nghe máy.
Xác định tình cảm vợ chồng không còn, chị T. đã đâm đơn ly hôn và chồng chị cũng thuận tình.
Đại gia đòi tiền
Người chồng ngoại quốc đòi được nuôi con và tố vợ không trả gần 600.000 USD (khoảng 13 tỷ đồng).
Ngay khi tòa công bố đơn ly hôn, chị T. phản đối. Chị nói: “Ông ấy mang con tôi đi khắp châu Âu, châu Mỹ… với người đàn bà khác. Tôi nhiều lần điện thoại, gửi thư hỏi ở đâu, nhưng không bao giờ ông nói địa chỉ rõ ràng".
Theo lời chị T., chị không đồng ý để chồng nuôi con vì “ông ấy quá già, đã 75 tuổi”. Năm 2016, chị sang thăm con, thấy bé gần 5 tuổi mà chỉ được 11kg nên rất xót xa...
Trả lời câu hỏi của Tòa: “Nếu chị nuôi con, chị yêu cầu thế nào?", chị T. đáp: “Tôi chỉ yêu cầu ông ấy đóng tiền hàng năm cho con tôi được học tại một trường tốt nhất tại Việt Nam, với mức phí khoảng 20.000 USD/ năm”.
Đề cập đến khoản tiền gần 600.000 USD mà người chồng tố chị còn cầm của ông ta, chị T. phủ nhận. Theo chị, hai vợ chồng không có tài sản chung gì.
Trong khi luật sư của chồng đề nghị dừng phiên tòa để thân chủ của mình chuẩn bị các tài liệu chứng minh về tài sản, chị T. đề nghị tòa xử cho vợ chồng chị được ly hôn. Còn về tranh chấp tài sản, chị sẵn sàng giải quyết ở một vụ án khác.
Cuối phiên xử, Tòa xét thấy, con chung của hai người là bé gái, cần được sự chăm sóc của người mẹ nên đồng ý để chị T. được quyền nuôi con. Tòa chấp thuận đơn ly hôn của chị T., giao bé gái cho người mẹ chăm sóc.
Về tranh chấp tài sản, cho rằng chưa có tài liệu chứng minh nên tòa để hai bên tự giải quyết. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, hai bên có quyền đưa nhau ra tòa.
Theo T.nhung/Vietnamnet