Sau giải phóng, bà Năm rời quân ngũ ở tuổi ngoài 30. Chiến tranh đã lấy đi của bà đôi mắt và để lại vài mảnh đạn mà y học bó tay. Mắt mù nhưng bù lại, các giác quan khác của bà Năm rất nhạy bén. Bà tự nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, không cần người chăm sóc.
Năm đó, em dâu bà bỏ đi, để lại con gái mới hai tuổi. Thương em trai vụng về, bà nhận nuôi đứa bé. Nó bập bẹ gọi bà là mẹ. Bà vỡ òa hạnh phúc. Ba nó đi bước nữa, giao đứt con gái cho bà. Thương con thiếu tình mẹ cha, bà chiều chuộng nâng niu, nó muốn gì được đó. Ngoài lương thương binh, bà Năm còn cho thuê mặt tiền nhà, đủ để hai mẹ con sống ung dung.
Ở tuổi tiểu học, con bé đã biết vòi vĩnh xin tiền. Lớn lên chút, nó đã biết đua đòi chưng diện. Bà Năm rầy la. Nó giận, có lúc còn nói hỗn: “Bà có phải mẹ ruột tui đâu”. Bà đau như dao cắt. Nó thi rớt đại học, bà khuyên nên vào trường nghề. Nó không nghe, đi phụ bán cà phê.
|
Ảnh minh họa. |
Mấy lần, nó trộm tiền của bà, còn dắt bạn giang hồ về cạy tủ, lấy sạch mấy cây vàng. Bà gọi em trai về, bàn cách cứu tương lai con gái. Em bà nói đã giao con cho bà, giờ muốn làm sao thì làm. Bà muốn “làm sao” cũng không còn cơ hội, vì con bé đã bỏ nhà đi biệt.
Hàng xóm xót thương, nói bà Năm nuôi con tu hú, đủ lông đủ cánh nó bay. Tuổi già ập tới, mấy vết thương cũ hành bà Năm tơi bời. Có bữa, nửa đêm bà lên huyết áp, điện thoại để kế bên mà tay không nhấc nổi. Người thuê nhà đã mấy lần đưa bà đi cấp cứu.
Họ hàng trông vào căn nhà mặt tiền trị giá chục tỷ của bà, ai cũng ngấp nghé. Nay người này, mai người kia dọn tới ở. Mặc sức nói xấu nhau trước mặt bà. Người nào ở với bà dăm bữa nửa tháng cũng chịu không thấu. Người già ăn uống rơi rớt, lâu lắc, tiêu tiểu không kiểm soát. Không đủ tình thương, làm sao chăm sóc đỡ nâng?
Anh hai của bà tuyên bố, ngôi nhà của bà phải thuộc về ông, vì ông là con trưởng. Anh út nói dù gì con gái anh cũng là con nuôi danh chính ngôn thuận, được hưởng tài sản bà để lại. Phần con thì cha quản lý…
Mấy anh em tranh cãi tới mức không thèm nhìn mặt nhau. Chẳng ai quan tâm việc mỗi ngày bà lọ mọ chống gậy ra đầu ngõ mua thức ăn, gọi xe ôm mỗi lần đi khám bệnh, có việc cần kíp thì nhờ lối xóm…
Sau cơn bạo bệnh, bà Năm thấu suốt nhân tình thế thái. Bà họp gia đình, nói sẽ để căn nhà lại cho vợ chồng Quang, đứa cháu con anh thứ tư của bà.
Vợ chồng Quang làm ăn xa. Mỗi lần về thăm bà, Quang cõng bà đi tắm. Vợ Quang quét dọn lau chùi từ trên lầu xuống đất. Đứa cháu nghèo khó nhưng có tâm, cũng không quan tâm tranh giành tài sản của bà. Bà không chọn nó thì chọn ai. Bà nói rõ, vợ chồng Quang phải làm cam kết, chăm sóc bà chu đáo tới phút cuối. Ngược lại, bà sẽ hiến tài sản cho chính quyền.
Từ ngày có vợ chồng Quang về ở chung, bà Năm mới được bữa cơm ngon. Chiều chiều, lối xóm thấy Quang dắt bà đi dạo. Vợ Quang bế con đi kế bên. Nhìn bà Năm hồng hào sạch sẽ, ai cũng mừng cho bà có tuổi già bình yên.
Theo Nguyễn Minh Quang / Phụ Nữ Online