Không giống như những con tê giác mà chúng ta thấy ngày nay, những con tê giác lông cừu có lớp lông dày và xù xì bao phủ khắp cơ thể. Điều này có lẽ là do chúng sống trong môi trường cực kỳ lạnh giá - mặc dù một số chúng cũng sống ở đồng cỏ.
Tê giác lông cừu, tê giác len hay Coelodonta antiquitatis, là một loài tê giác lớn. Nó sống ở lục địa Âu-Á trong kỷ nguyên Pleistocen. Hóa thạch tê giác len được biết đến sớm nhất được tìm thấy ở khu vực Tây Tạng.
Gần đây, các chuyên gia làm rõ rằng loài này đã tuyệt chủng vì biến đổi khí hậu chứ không phải săn bắn như suy nghĩ ban đầu. Bộ lông dày và dài của chúng khiến cho loài này không thể chịu được nhiệt độ cao. Khi kỷ băng hà kết thúc, môi trường sống của chúng cũng theo đó mà biến mất. Bởi vậy loài này đã di cư từ cao nguyên Tây Tạng đến các khu vực lạnh hơn trên thế giới.
|
Tê giác lông cừu (Coelodonta antiquitatis) trông rất giống tê giác ngày nay. Giống như tê giác Châu Phi hiện đại, chúng cũng có một bộ hai sừng, một sừng lớn phía trước và một sừng nhỏ hơn ở giữa hai mắt. Tuy nhiên điểm khác biệt với tê giác hiện đại là chúng có rất nhiều lông, với đầu và thân dài hơn, chân ngắn hơn. Tê giác lông cừu cũng có một cái bướu lớn sau vai.
|
Tê giác len là một trong những loài động vật có vú thuộc thời kỳ Băng hà được khắc họa trên các bức tranh hang động cổ đại. Nó có bề ngoài tương tự như những con tê giác hiện đại nhưng có thân hình lực lưỡng hơn với đôi chân ngắn và có sừng trước lớn hơn sừng sau.
Tê giác len đực có sừng lớn hơn những con cái, và điều đó khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn đối với con cái trong mùa giao phối. Trước đó, các nhà khảo cổ học đã phát hiện rất nhiều hóa thạch của sừng tê giác lông cừu có vết mài, điều đó khiến nhiều người tin rằng loài này từng sử dụng sừng để cào tuyết và đào bới đất để tìm kiếm thức ăn.
Các hóa thạch được tìm thấy của tê giác len cho thấy nó có chiều dài từ 3 đến 3,8 mét. Chúng có chiều cao khoảng hai mét tính từ chân đến vai và nặng khoảng 3 tấn. Các đặc điểm thể chất của loài tê giác cổ đại này đã mang lại cho chúng khả năng thích nghi cần thiết trong môi trường băng giá.
|
Trước khi tuyệt chủng khoảng 14.000 năm trước, tê giác lông cừu đã lang thang khắp nơi. Hóa thạch của nó đã được tìm thấy ở Tây Ban Nha, Siberia và Hàn Quốc. Do đó, tê giác lông cừu đôi khi xuất hiện trong các bức tranh hang động cổ đại - mặc dù không thường xuyên như voi ma mút hoặc bò rừng.
|
Tê giác len là một loài động vật ăn cỏ. Chúng tương tự như tê giác ngày nay. Tuy nhiên, có một số tranh cãi liên quan đến chế độ ăn uống của loài động vật này. Các cuộc điều tra cho thấy chúng có thể đã ăn cỏ và các loại thực vật thấp khác. Người ta tin rằng tê giác len đặc biệt thích lá cây, rêu, cỏ và các loại cây bụi rậm.
Thế nhưng những hóa thạch hộp sọ, xương hàm và răng của một con tê giác len từ Staffordshire cho thấy các đặc điểm về cơ và răng của của chúng gần như tương tự với một loài động vật ăn cỏ. Một bằng chứng khác là sự mở rộng của cơ thái dương và cổ của của loài này cho phép chúng dùng sức giật mạnh cỏ khỏi mặt đất. Về tập tính sinh sống, có nhiều phỏng đoán cho rằng chúng rất giống với tê giác hiện đại, thường lang thang một mình hoặc sống thành những đàn nhỏ gồm con mẹ và con con.
|
Vào năm 2020, người dân địa phương ở Đông Siberia tình cờ bắt gặp xác một con tê giác lông cừu non đông lạnh trong băng tan. Lớp băng vĩnh cửu bảo tồn ruột, lông và thậm chí cả sừng của con vật này. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có ai nói về việc cố gắng tái tạo và hồi sinh tê giác lông cừu, theo cách mà một số người muốn tái tạo loài voi ma mút.
|
Sử dụng tuổi của các lớp trầm tích hình thành nên hóa thạch, các nhà nghiên cứu cho rằng loài tê giác lông cừu đã sinh sống cách ngày nay khoảng 3,7 triệu năm. Điều này đã chứng minh sự hiện diện của loại tê giác này ở Cao nguyên Tây Tạng trước khi nó được tìm thấy ở vùng lãnh nguyên của đông bắc Siberia.
Trong nhiều năm, con người được coi là thủ phạm khiến loài tê giác len tuyệt chủng. Nhiều người tin rằng khi con người bắt đầu chiếm đóng Siberia, tê giác không thể cùng tồn tại vì con người săn bắn chúng. Con người và những con tê giác này đã "chiến đấu" với nhau trong khoảng 16.000 năm. Tuy nhiên, bằng chứng mới nhất đã bác bỏ điều này.
Sau khi phân tích các mẫu DNA, các nhà khoa học kết luận rằng chính biến đổi khí hậu đã khiến tê giác len chết. Sự xuất hiện của con người không khiến số lượng của loài tê giác này suy giảm nghiên trọng. Thay vào đó, các nhà khoa học phát hiện ra rằng sự tuyệt chủng bắt đầu xảy ra từ 18.500 đến 14.000 năm trước khi thế giới trải qua sự ấm lên nhanh chóng.
Điều này không có nghĩa là con người không săn tê giác. Nó chỉ có nghĩa là họ không phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho sự tuyệt chủng của loài này. Một cách gián tiếp, con người có thể là nguyên nhân khiến khí hậu ấm hơn, dẫn đến sự diệt vong của loài tê giác.
Theo Đức Khương/Phụ nữ Việt Nam