Bà Sáu quê tận miền Bắc, vào giúp việc nhà chị Hà mới hơn nửa năm. Chị Hà đã mua vé máy bay cho bà “Nam tiến”, rồi bao thêm một cặp vé khứ hồi cho bà về thăm quê hồi đầu tháng trước. Đổi lại, chị nhận được lời hứa hẹn như đinh đóng cột rằng, vậy là yên tâm lắm rồi, năm nay ở lại ăn tết Sài Gòn xem sao.
|
Ảnh minh họa |
Chẳng biết cái không khí chộn rộn đón xuân khiến bà Sáu lung lạc thế nào, mà mới Hai mươi hai tháng Chạp, bà buông một câu xanh rờn: “Chừng ba ngày nữa cô về quê đấy nhá”. Chị Hà giận run người, cố gắng kìm nén sự bực tức bằng một câu hờn dỗi: “Bà muốn về thì về, con không giữ. Nhưng bà mua được vé tàu xe chưa mà đòi về?”. Bà Sáu vô tư trả lời: “Cứ ra ga xe lửa thấy chuyến nào phù hợp thì đi, thiếu gì lựa chọn mà lo cơ chứ!”. Chị Hà chán chẳng buồn nói. Trong lòng thầm một dự định dứt dạt: nếu bà Sáu về, thì qua tết khỏi cần vô luôn, cho gọn.
Chị Hà liên hệ với mấy cô tạp vụ của cơ quan, lâu nay thi thoảng vẫn tới nhà dọn dẹp theo giờ mỗi khi chị kẹt người, đều nhận lại cái lắc đầu: “Người ta đặt chỗ hết rồi, cuối năm khó sắp xếp lắm chị ơi, thông cảm nhé”. Chị Hà lo âu nghĩ đến những ngày sắp tới. Sau một năm dài bươn bả, chị biết mình sẽ còn mệt mỏi đối mặt với kỳ nghỉ tết không người giúp việc, với bà nội già yếu và hai đứa trẻ nghỉ học từ sớm, cùng ông chồng hay nhậu nhẹt như thể “lo tết nhất là chuyện riêng của vợ, đâu liên quan gì tới mình”…
Trong nỗ lực tự cứu mình khỏi một cái tết cực khổ sấp mặt, chị họp chồng con lại, phân công chi tiết từng người. Bố sẽ lau dọn cái gì, con đứa nào phơi đồ, rửa chén, đứa nào quét nhà, chạy máy giặt… Đại khái thế. Kèm theo đó là lời hứa, sẽ “trả công” cho mỗi nhóc một tờ tiền màu xanh lớn nhất để bỏ heo, sau khi cả nhà mình “sống sót qua cái tết không Ô-sin này”. Đám con nít tỏ ra vui mừng khi được “thuê” với giá hời. Chị cũng tạm yên tâm với kế hoạch chống đỡ của mình.
Mới vài ngày không Ô-sin mà gia đình chị đã ồn ào cắn đắng nhau mấy bận. Hai mươi bảy tết, người quen “mối mai” cho chị một trung tâm giới thiệu việc làm, với thông tin là ở đó luôn sẵn người làm thời vụ. Giá hơi “chát”, cộng thêm phí môi giới nữa, tính ra khoảng hơn năm triệu cho gần mười ngày tết.
Nghĩ mà xem, lao động làm tết, giờ ngành nghề nào chẳng đắt sô, đâu riêng gì giúp việc nhà. Chị Hà tất tả đến xem, quả là có sẵn vài sự lựa chọn. Chị bàn với chồng, rồi bấm bụng đón về một người. Hỏi han xem tại sao lại đi làm tết, người đàn bà thản nhiên kể: “Đang đi giúp việc cho một chỗ khác.
Gần tết nhận lương tháng mười ba rồi, thì xin chủ về quê, qua tết lên làm tiếp. Chủ muốn hay không thì cũng phải đồng ý. Rồi mình không ra bến xe mà tới trung tâm, kiếm chỗ khác làm tết, đặng thêm thu nhập. Chứ ở lại nhà chủ thì cũng chẳng được gì thêm”.
Chị Hà nghe qua mà phát sợ với toan tính của họ. Ai đấy đã xui rủi khi vớ phải người giúp việc tinh tướng khôn lỏi rồi. Chị cũng không định thuê họ làm luôn, chỉ đợi ra Giêng sẽ nhờ bà con ở tỉnh tìm giúp ai đó thật thà hơn. Mong là sẽ có duyên gặp được người muốn gắn bó lâu dài.
Mùng Sáu tết, thanh toán công cán xong, chị chở bà Ô-sin thời vụ ra trung tâm “gởi lại”. Tại đây, chị chưng hửng khi bắt gặp một gương mặt quen biết: bà Sáu, cựu Ô-sin nhà mình, đang ngồi đấy chờ thời, đợi được thuê mướn.
Không cần tìm hiểu gì nhiều, chị cũng thừa biết, hóa ra bà Sáu cũng xài “chiêu” về quê ăn tết để tranh thủ đi làm chỗ khác, mặc kệ chị loay hoay những ngày giáp tết. Chị cất lời chào, cười rất tươi trước vẻ ngường ngượng của “người cũ”. Rồi chị dứt khoát quay xe ra về, dẫu chưa biết phải đối mặt với những ngày không Ô-sin như thế nào.
Giờ lại năm hết tết đến, chị Hà nhớ cảnh “xuân xưa” mà tự than thầm, sao chị em mình lại khốn khổ đường Ô-sin đến vậy nhỉ?
Theo Hạ Yên/Phunuonline