Theo Sina, GS Hà Khắc Tân, Học viện Nha khoa, Đại học Y khoa Quảng Tây, căn cứ vào việc nghiên cứu lâm sàng đã đưa ra kết luận một số trường hợp tụ máu não là do không chữa bệnh răng miệng, cụ thể là viêm nha chu.
Chuyên gia này cho biết bệnh nha chu phá hủy các mô trong khoang miệng, tạo điều kiện cho vi khuẩn và các chất có hại xâm nhập vào mạch máu, từ đó có thể dẫn tới một số bệnh về não.
|
Ảnh minh họa. |
Để tìm hiểu về vấn đề này, một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Hiroshima (Nhật Bản) đã tiến hành kiểm tra 132 bệnh nhân nhồi máu não và 111 người bình thường. Sau khi xét nghiệm, họ nhận thấy số lượng vi khuẩn gây viêm nha chu ở người bệnh nhân nhồi máu não cao gấp 2,2 lần nhóm còn lại.
Các nhà khoa học nhận định vi khuẩn bệnh nha chu có thể lưu động khắp cơ thể thông qua máu, gây xơ vữa động mạch, từ đó dẫn tới nhồi máu não.
Ngoài ra, về mặt lâm sàng, y học cũng từng ghi nhận trường hợp bị nhiễm trùng cục bộ sau phẫu thuật nhổ răng, từ đó gây viêm màng não mủ.
Bác sĩ Hứa Lan Bình, Chủ nhiệm khoa Thần kinh nội, Bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh, cho biết các chứng viêm nhiễm ở răng và khoang miệng nằm trong vùng tam giác nguy hiểm trên mặt, có thể dẫn tới các chứng bệnh như viêm nội sọ, viêm não, viêm màng não. Ngoài ra, một số bệnh khác như viêm tai giữa, viêm phổi cũng có thể dẫn đến các vấn đề về não.
Viêm nha chu là một trong những căn bệnh về răng miệng phổ biến nhất, biểu hiện thời kỳ đầu không rõ rệt, nên chúng ta thường xem nhẹ. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo nếu khoang miệng xuất hiện dấu hiệu lợi sưng và viêm, chảy máu, kẽ răng to ra, lung lay, hôi miệng, rất có thể bạn đã mắc bệnh nha chu.
Để phòng bệnh, các nha sĩ đều cho rằng chúng ta nên kiên trì đánh răng hai lần vào buổi sáng và tối, súc miệng nước ấm sau khi ăn và kiểm tra định kỳ từ 6-12 tháng một lần.
Theo Zing