Tại buổi giao ban báo chí chiều 1/10, Chánh văn phòng UBND Hà Nội Vũ Đăng Định cho biết từ 13/9, chất lượng không khí tại nhiều thời điểm trên địa bàn TP duy trì ở mức kém. Nhóm nhạy cảm gồm trẻ em, người già, người mắc bệnh về hô hấp cần hạn chế ra ngoài. Học sinh, người lớn tuổi hạn chế các hoạt động, thể dục, thể thao ngoài trời thời điểm hiện tại.
Trước việc báo đài và người dân sử dụng số liệu từ các ứng dụng đo ô nhiễm không khí trên mạng, ông Định đề nghị các cơ quan báo chí tham khảo chỉ số chất lượng không khí trên website chính thức của TP, Sở Tài nguyên Môi trường. "Đây là các chỉ số chính thức cung cấp bởi TP Hà Nội. Ngoài ra các trang, các app khác, chúng ta chỉ dùng để tham khảo, đối chiếu", ông Định nói.
|
Hà Nội mù mịt trong những ngày chỉ số ô nhiễm không khí cao kỷ lục. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đại diện UBND Hà Nội cũng cho biết thêm hiện TP có 10 trạm quan trắc cung cấp số liệu chính thức, trong đó có 2 trạm ở đại sứ quán Mỹ và đại sứ quán Pháp.
Về nguồn gây ô nhiễm chính, Chánh văn phòng UBND Hà Nội cho biết TP xác định có 12 nguyên nhân chính như khí xả từ phương tiện giao thông, đun bếp than tổ ong, đốt rơm rạ nông nghiệp, bụi từ quá trình xây và phá dỡ các công trình, mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước...
Hà Nội đã có nhiều giải pháp trong đó có chuyển đổi hệ thống thu gom rác thải theo hướng hiện đại, sạch sẽ hơn, cho lắp đặt các xe quét, hút bụi trên đường, cắt giảm các nguồn xả thải như phương tiện, thay thế phương pháp đun nấu bằng bếp than, củi...
Tuy nhiên, thông tin này khiến nhiều phóng viên hoài nghi vì đều là những nguyên nhân cũ. Ông Mai Trọng Thái (Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội ) sau đó cho biết nguyên nhân khách quan của tình trạng này là Hà Nội đang vào giai đoạn chuyển mùa, nền nhiệt chênh lệch giữa đêm và sáng lớn gây hiện tượng sương mù, ảnh hưởng đến khuếch tán bụi, ô nhiễm.
"Theo số liệu điều tra của chúng tôi, mỗi ngày người dân TP sử dụng 528 tấn than, tương đương với 1.872 tấn khí CO2 phát thải ra môi trường. Ngoài ra, đốt rơm rạ cũng thải ra lượng lớn khí CO2, gây cản trở tầm nhìn, ảnh hưởng đến chất lượng không khí", ông Thái phát biểu.
|
Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội. Ảnh: Sơn Hà. |
Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, TP có khoảng 700.000 ôtô cùng hơn 5 triệu xe máy. Nếu số lượng phương tiện này đổ ra đường vào giờ cao điểm thì lượng khí thải rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng không khí, chưa kể những phương tiện không đủ điều kiện về khí thải.
Ông Thái khẳng định Sở TNMT Hà Nội chỉ cung cấp chỉ số quan trắc ở trang chính thức của sở, các trang như Air Visual, Pam Air chỉ là các chỉ số từ các trạm quan trắc cảm biến, đánh giá nhanh để đưa ra khuyến cáo cho người dân.
"Đến năm 2020, Hà Nội sẽ phấn đấu lắp đặt 20 trạm quan trắc cố định cùng với 12 trạm cảm biến, nâng tổng số trạm quan trắc trên địa bàn TP lên con số 32. Các trạm quan trắc không khí để đánh giá, nghiên cứu các giải pháp cải thiện chất lượng không khí", ông Thái nói.
Theo Sơn Hà/Zing