Tín gởi cho Sương tấm hình kèm dòng chú thích “đi chơi với bà xã”. Trong hình, vợ chồng Tín tay trong tay bên một dòng sông xanh mướt ở trời Tây. Nét mặt rạng ngời của Tín làm Sương cũng hạnh phúc lây.
|
Ảnh minh họa. |
Họ thân nhau sau 30 năm gặp lại từ lúc tốt nghiệp cấp III. Quá nhiều chuyện để kể cho nhau nghe sau một thời gian dài xa cách. Tín thi đại học, đạt điểm sang Nga du học. Quãng đời sinh viên của Tín đầy lãng mạn. Hấp dẫn nhất vẫn là những câu chuyện tình. Mối tình đầu của Tín với cô bạn thời cấp III chỉ biết nắm tay nhau.
Sang Nga học, năm thứ hai, Tín yêu và sống chung với một cô gái Nga. Mối tình đẹp nhẹ nhàng kết thúc vì không thể đăng ký kết hôn. Rồi một cô gái Việt xinh tươi trở thành vợ anh…
Họ nếm trải đủ gian khổ của đôi vợ chồng trẻ vào những ngày đầu định cư tại Pháp. Những lần ngoại tình suýt tan vỡ gia đình, Tín cũng chẳng giấu Sương. Tín bảo mình lăng nhăng, nhưng Sương lại thấy anh là đàn ông có điều kiện để nhiều phụ nữ phải ngã lòng. Đẹp trai, hiểu biết, có tài, có tiền… thật khó để Tín chỉ là duy nhất của một người đàn bà.
Không như Tín, trong câu chuyện của Sương hiện rõ hình ảnh một cô nàng ế… huy hoàng. Cô hài hước, tự cười mình trong những cuộc tình “chẳng đi đến đâu, anh nào cũng bỏ chạy hết”. Tín lắng nghe một cách nghiêm túc, không tin Sương chưa bao giờ chính thức có một người bạn trai. Sương nói dối Tín làm gì, khi cô tìm được một người để có thể “chia sẻ những nỗi niềm” mà không bị chê bai, phán xét.
Những câu chuyện có tính năng kết nối tình thân. Tác phẩm Nghìn lẻ một đêm đã minh chứng điều đó. Ông vua bạo ngược chém đầu tất cả các cô gái sau một đêm ái ân đã không nỡ ra tay với người đẹp biết kể chuyện. Sở thích kể chuyện đã tạo ra một mối quan hệ tốt đẹp.
Tín và Sương cũng thân và hiểu nhau nhờ những câu chuyện. Họ thường “chát” với nhau vào buổi tối cho đến khi Sương chìm trong cơn buồn ngủ. Lúc đó, chỗ Tín ở chỉ mới khoảng 7 giờ tối. Anh vẫn đang làm việc. Chuyện hằng ngày họ nói với nhau thường có gương mặt thầy cô, bạn bè chung của hai người.
Họ sống xa nhau mà ngày càng gần gũi hơn. Nhưng sự thân thiết cũng đẩy đưa cảm xúc quá đà. Sương khó chịu khi Tín im lặng không hồi âm tin nhắn. Sương bóng gió ghen tuông khi Tín thả tim vào dòng trạng thái của các bạn gái, bạn cũ của cả hai. Sương kiếm chuyện “cà khịa” trước.
Tín bực nhất là Sương hay “phỏng đoán” chuyện Tín thích một cô nào đó. Tín cũng bồn chồn không yên khi biết Sương đang dự tiệc sinh nhật của người bạn trai đang rất thích cô. Anh gọi điện chúc mừng sinh nhật, chỉ để chắc chắn Sương đang ngồi trong một đám đông.
Tín đã yêu nhiều, đam mê trong nhiều vòng tay phụ nữ. Anh đã từng tập hút thuốc, xài tiền đô, mua xe hơi xịn… để tán các em tóc vàng. Bây giờ, ở tuổi 50, Tín thích Sương, cô bạn gái biết lắng nghe và “nói chuyện rất dễ thương dù đôi khi bướng bỉnh, khó chịu một cách vô lý”. Những đợt cãi nhau của Tín và Sương lại làm cho họ hiểu và gần nhau hơn. Năm ngoái, Tín về, sau cuộc gặp với đám bạn cũ, Tín đưa Sương về nhà. Trước khi ngủ anh nhắn tin cho Sương: “Mình không muốn mất một người bạn thân nên nhất định không vào nhà Sương”.
Năm nay, Tín lại về thăm mẹ. Anh chỉ gặp riêng Sương khoảng 15 phút trước cuộc tụ tập với bạn bè. Nhưng tin nhắn qua lại thì vẫn dày, Tín vẫn báo cho Sương biết lịch làm việc của anh.
Lúc chia tay, những cô bạn cũ gặp lại Tín, dang tay ôm Tín, khoác tay nhau chụp hình. Tín dè dặt nhìn về phía Sương, Sương giả vờ không để ý. Cô và Tín chưa một lần chạm vào nhau, dù chỉ là bắt tay. Chỉ là vừa về đến nhà, điện thoại của Sương đã báo tin nhắn từ Tín: “Sương đã về nhà chưa?”, rồi họ lại kể cho nhau chuyện vui từ cuộc gặp với bạn bè.
Sương biết trong “hồ sơ tình ái” của Tín, anh đã từng yêu một cô bạn gái học cùng cấp II. Cả hai đều ngoại tình. Kết cục, cô bạn ly hôn, Tín ly thân một thời gian mới được vợ tha thứ. Ngủ với nhau để rồi sau đó gặp lại ngại ngùng, nói vài câu tẻ nhạt là điều Tín không muốn lặp lại với Sương.
Còn Sương, cô có nguyên tắc không “xài chung” đàn ông với bất cứ ai. Sương biết, Tín đào hoa nhưng chung tình, anh yêu vợ. Đi chơi đâu, Tín cũng đi cùng vợ. Trong những tin nhắn của Tín, thỉnh thoảng Sương vẫn thấy hình ảnh người đàn bà chung sống với anh, rất đảm đang và dịu dàng.
Ngày đi học chung lớp cấp III, Sương không để ý nhiều đến Tín, nên Sương không nghĩ mình là bạn cũ của Tín, vì “bạn cũ hôm nay phải từng là bạn ngày xưa chứ”. Tín không đồng ý, anh cố kể ra những lần anh nói chuyện với Sương, mà Sương chẳng nhớ. Họ cứ cãi nhau chuyện “vớ vẩn” như thế. Cãi đến mức ngày cuối trước khi rời Sài Gòn, Tín nhắn tin: “Có cần phải cãi nhau đến giờ chót không?”. Vậy mà ngồi quá cảnh ở sân bay Dubai, máy Sương lại hiện ra tin nhắn của Tín.
Đâu cần phải “tương tác thân thiết” mới hiểu và thương nhau. Hình như cả hai đều nỗ lực “không yêu nhau” để bảo vệ khoảng cách an toàn của tình bạn. Vậy thôi, hai người dễ thương thì đâu cần phải nói yêu nhau…
Theo Trường Sơn /phunuonline.com.vn