Bác sĩ Võ Hòa Khánh – Trưởng phòng quản lý chất lượng bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cho hay, đơn vị đang điều trị cho bé gái Măng Thị S. (13 tuổi) chuyển từ bệnh viện đa khoa Ninh Thuận tới, do bị rắn cắn.
Theo BS Khánh, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng tại chỗ bàn chân phải. Đặc biệt gân, da và xương ở mặt mu chân phải của bé bị hoại tử. Phần xương lòi ra ngoài.
|
Bàn chân phải bé gái bị hoại tử, lòi xương ra ngoài. |
Khai thác bệnh sử bác sĩ được biết, trước nhập viện 1 tuần, khi đưa cơm cho bà nội, bé gái bị rắn cắn nhưng lúc đó trời tối, không nhìn rõ loại rắn cắn.
Thấy máu chảy nhiều, bé đã tự băng bó và được bà nội dùng miệng cố hút nọc độc rắn ra ngoài. Khi bàn chân bé có dấu hiệu sưng tấy, người mẹ đã đưa tới thầy lang.
Bé được chữa trị qua 3 thầy lang nhưng vết thương ở bàn chân có dấu hiệu ngày càng trầm trọng. Chỉ tới khi bàn chân mưng mủ, lở loét, lòi cả xương ra ngoài, gia đình mới đưa tới bệnh viện đa khoa Ninh Thuận thăm khám.
Qua 3 tuần điều trị ở bệnh viện địa phương nhưng tình trạng không thuyên giảm, bệnh nhi được chuyển vào TP.HCM.
BS Võ Hòa Khánh cho hay, bệnh nhi sẽ phải trải qua ít nhất 2 cuộc phẫu thuật để chữa trị vết thương ở chân do rắn cắn.
|
Bé gái phải trải qua ít nhất 2 cuộc phẫu thuật. |
Do xương bàn chân bé đã bị viêm, cuộc mổ đầu tiên sẽ làm sạch bằng cách cắt lọc các phần xương, mô bị hư, kết hợp dùng kháng sinh.
Khi xác định mu bàn chân đã sạch vi trùng, thì mới lấy da để che phần xương bị lòi ra ngoài. Khi phần da đã sống, bé tiếp tục được làm lại gân bàn chân, nếu không sẽ không cử động được.
Theo BS, dự kiến sau 1 tháng nữa mới có thể đánh giá lại vết thương cho bệnh nhi và chi phí các cuộc mổ sẽ rất tốn kém.
Theo Văn Đức/Vietnamnet