Nghiện dầu hỏa
Trong nhiều năm, dầu hỏa đã trở thành thực phẩm không thể thiếu với bà Lê Thị Hằng (SN 1954, trú tại tổ 2, ấp Thuận Thành 1, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước). Điều đáng nói, dầu hỏa vốn là loại nhiên liệu cuối cùng thu được trong quá trình chế biến dầu thô. Nếu vô tình uống dầu hỏa, người uống có thể bị tổn hại nội tạng, thậm chí gây tử vong (nếu số lượng nhiều). Vậy mà qua hàng chục năm, bà Hằng vẫn khỏe mạnh, dù đều đặn uống dầu hỏa mỗi ngày như… uống nước.
Bà kể, “Chồng và con cháu đều khuyên tôi cai nghiện dầu hỏa. Ngoài chuyện lo sức khỏe tôi, cả gia đình còn muốn chấm dứt những tiếng xì xào bên ngoài vì sở thích chẳng giống ai này. Tôi biết lâu nay ở địa phương, bà con có người coi chuyện tôi uống dầu hỏa đơn thuần là sở thích cá nhân. Nhưng cũng có bà con lại chỉ trích, sợ tôi bày dại cho đám trẻ hiếu kỳ làm theo thì mất mạng như chơi. Tôi cũng biết vậy nên đã thử cai dầu hỏa như người ta cai thuốc, cai rượu. Khổ nỗi, bao nhiêu lần cai là bấy nhiêu lần tôi lại tái nghiện thứ nhiên liệu này nặng hơn”.
|
Trong nhiều năm, dầu hỏa đã trở thành thực phẩm không thể thiếu với bà Lê Thị Hằng (SN 1954, trú tại tổ 2, ấp Thuận Thành 1, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước). |
Thời con gái, bà Hằng cũng bình thường như bao người khác. Nhưng một ngày năm 1987, bà đang theo chồng làm rẫy thì bất ngờ lên cơn đau bụng. Chợt nhớ trong quá khứ mình từng bị đau bụng giun, bà bèn làm theo kinh nghiệm dân gian, lấy dầu gió thoa lên bụng. Song với cách này, cơn đau bụng vẫn không hề thuyên giảm. Từ rẫy trở về, bà đau quằn quại đến nỗi cơm cũng không thể nuốt được.
“Lúc ấy, không hiểu “ma xui, quỷ khiến” thế nào, tôi lại vớ ngay chai dầu hỏa để trên nóc tủ ngửa cổ tu một hơi cạn sạch. Sau khi uống xong, tôi chợt thấy cơn đau bụng dịu dần rồi tan biến. Sau phát hiện tình cờ đó, mỗi lần đau bụng là tôi lại uống dầu hỏa. Dần dần, tôi đâm nghiện luôn thứ chất lỏng này, ngày nào không được uống một chút là thấy nhớ”, bà Hằng kể.
Thời gian đầu nghiện dầu hỏa, bà Hằng chỉ uống mỗi ngày một lượng nhỏ. Nhưng dần dà, từ uống dầu, bà chuyển sang trộn cả dầu vào thức ăn. Cách dùng dầu nấu nướng của bà cũng thật lạ. Trong lúc nấu cơm, bà vo gạo xong, đổ nước rồi thêm ít dầu hỏa vào. Khi cơm sôi, hạt gạo ngấm dầu bốc mùi nồng nặc. Nhưng khi người khác sặc sụa nôn ói vì say dầu thì bà lại hít hà khen thơm. Các món ăn như rau xào, luộc, cá kho, thịt kho, bà cũng không quên trộn dầu hỏa vào. Từ chỗ tẩm chút ít, các món ăn của bà thấm đầy dầu hỏa. Những người hàng xóm biết chuyện đã tìm đến tận nhà chứng kiến bà ăn, uống dầu.
Ông Liệu chồng bà là người tường tận nhất thói quen ăn, uống dầu hỏa của vợ. Ban đầu thấy bà Hằng nghiện thứ chất lỏng độc hại, ông Liệu vô cùng lo lắng. “Những năm bao cấp không có điện, người dân vẫn dùng dầu hỏa thắp đèn lấy ánh sáng. Nhìn khói dầu hỏa bốc lên đen kịt, tôi đã biết nó rất độc, không thể hít vào cơ thể. Vậy mà vợ tôi không chỉ ngửi mà còn uống trực tiếp, trộn lẫn với các loại thức ăn. Sợ bà ấy bị nguy hại sức khỏe, tôi đã nhiều lần khuyên bảo, thậm chí nghiêm khắc cấm đoán. Nghe tôi nói, bà ấy ậm ừ cho qua. Nhưng hễ chồng vắng nhà, bà ấy lại uống dầu như uống nước”, ông Liệu kể.
Kỳ công cai nghiện dầu hỏa
Biết vợ uống dầu hỏa nhiều sinh nghiện, ông Liệu quyết định lên kế hoạch giúp vợ cai. Ban đầu, qua một số người quen, ông xin cho vợ vào hẳn rừng cao su cạo mủ thuê. Ông Liệu hy vọng môi trường rừng cách ly với bên ngoài sẽ giúp bà Hằng bắt đầu tập ăn uống bình thường. Biết tâm ý của chồng, bà Hằng tự nhủ bản thân phải cố gắng vượt qua cơn nghiện. Mỗi lúc thèm dầu quay quắt, bất kể ngày đêm, bà lại vác đồ nghề lên vai quần quật đi cạo mủ cao su. Dần dà, bà cũng bắt đầu quên dầu hỏa và bắt đầu ăn uống ngon miệng trở lại khi thiếu loại chất lỏng độc hại này.
|
Người phụ nữ 18 năm uống dầu hỏa thay nước. |
“Thời điểm tôi bắt đầu vào rừng cao su là cuối năm 1988. Do công việc bận rộn, tôi ở lại lán trong rừng cả tuần mới về thăm nhà một lần. Để giúp vợ cai nghiện dầu hỏa, chồng tôi còn đề nghị nhà chủ giúp mang cơm vào luôn trong rừng”, bà Hằng nhớ lại.Đằng đẵng một năm trời ở lì trong rừng cao su, bà Hằng mới dứt hẳn được cơn nghiện dầu hỏa. Thế nhưng vừa về nhà được ít lâu, tình cờ thấy người hàng xóm đi mua dầu hỏa qua nhà, “cơn thèm” trong bà Hằng lại trỗi dậy. Vậy là sau hôm ấy, bà lại giấu chồng, âm thầm uống dầu hỏa. Lần tái nghiện này, mức độ phụ thuộc vào dầu hỏa của bà Hằng trở nên đặc biệt trầm trọng. Hàng ngày, bà gần như uống dầu hỏa thay nước lọc, thậm chí phải nấu ăn riêng một thực đơn với loại chất lỏng này làm gia vị.
Đến năm 1993, ông Liệu quyết định chuyển nhà từ xã Long Hà (huyện Bù Gia Mập) về nơi ở hiện nay. Đồng thời, ông cũng dùng lại phương thức cũ, ép vợ vào rừng cao su làm việc quên ngày tháng để quên hẳn dầu hỏa. Đến khi áng chừng vợ đã dứt hẳn cơn nghiện, ông mới đưa vợ về nhà sinh hoạt bình thường.
“Để tránh nguy cơ vợ tái nghiện, tôi bỏ hẳn việc dùng dầu hỏa trong nhà. Tối tối, trong khi bà con hàng xóm thắp đèn dầu thì nhà tôi tối om, làm gì cũng phải quờ quạng. Nghĩ lại lúc đó, sinh hoạt gia đình thật bất tiện. Nhưng nhờ cẩn trọng như vậy, vợ tôi mới dứt hẳn được cơn nghiện dầu hỏa. Tôi thấy cũng đáng lắm”, ông Liệu kể.
Nhắc lại khoảng thời gian nghiện dầu kéo dài suốt 6 năm (từ năm 1987 đến 1993), bà Hằng không khỏi ngạc nhiên: “Tôi uống trực tiếp và trộn vào thức ăn một lượng dầu hỏa rất lớn. Vậy mà suốt thời gian ấy, tôi rất khỏe mạnh. Đặc biệt từ khi “cắt cơn” đến nay, hơn chục năm nữa trôi qua, tôi vẫn không hề thấy bất kỳ dấu hiệu nào đáng lo về sức khỏe. Nói thật với các chú, đến bệnh viện tôi cũng chưa bao giờ phải vào nữa”.
Là người biết câu chuyện kỳ lạ và trực tiếp thăm khám cho bà Hằng, bác sĩ Lưu Mậu (Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàng Long (Bình Phước) nhận định: “Với trường hợp nghiện dầu hỏa của bà Hằng, tôi cho rằng tế bào thần kinh trung ương đã chỉ đạo cho tế bào trong hệ thống tiêu hóa tiết ra một loại men để tiêu hóa dầu hỏa. Men và dầu hỏa tác dụng với nhau tạo nên một “chất thuốc”, không gây hại cho cơ thể. Chất thuốc này giúp bà Hằng giảm đau, thậm chí chữa được một số bệnh khác. Qua thăm khám, tôi thấy bà Hằng hiện chỉ bị đau khớp, căn bệnh thông thường của người già chứ không chịu di chứng nào của thói quen uống dầu hỏa trước kia. Hơn nữa, loại men trong cơ thể bà Hằng rất có thể đến giờ vẫn tồn tại. Bởi thế, gia đình phải cẩn trọng, tránh để bà tiếp xúc với dầu hỏa vì rất dễ dẫn đến nguy cơ tái nghiện”.
Rất nguy hiểm
Bs Lê Thúy Oanh (Học viện Quân y 91) nhận định: “Bà Hằng có thể đã mắc hội chứng Pica, một căn bệnh rối loạn ăn uống. Bệnh nhân mắc chứng Pica thường ăn những thực phẩm ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng, kể cả đá, cát, sơn, bụi bẩn hay thậm chí là dầu hỏa.
Trên thế giới, người ta từng ghi nhận trường hợp chị em cô bé Adele- Anita (người Anh). Trong khi Adele ngày ngày chỉ ăn sáp nến thì Anita thường mua sách cũ về cắt nhỏ thành sợi rồi ăn. Cả hai cô bé đều cho rằng sáp nến và sách cũ có mùi vị như socola. Tuy nhiên để chắc chắn, bà Hằng cần được các cơ quan y tế khám nghiệm kỹ càng”.
Theo Gia Đình Việt Nam