Những ngày cận Tết Nguyên đán, vợ chồng chị Hoàng Thị Oanh, chủ một tiệm cắt tóc tại Hà Nội không hôm nào được đi ngủ trước 23h đêm.
Lượng khách đến làm tóc, gội đầu, nối mi để có gương mặt đẹp lung linh đi chơi Tết tăng vọt. Vợ chồng chị cùng một cô em gái vừa làm chủ, vừa làm thợ, tất cả đều xoay như chong chóng để phục vụ khách.
“Khách đến làm, ai cũng vội nên mình không thể từ chối. Vì thế phải ăn cơm tranh thủ. Có khi vừa bưng bát cơm lên lại có khách đến, phải bỏ đó làm cho khách.
Mình thường hẹn giờ để khách về nhà làm việc của mình, đến giờ chỉ việc ra tiệm là đến lượt. Tuyệt đối tránh tham việc, ai đến cũng nhận để rồi khách chờ đợi lâu, dẫn tới bực mình và sang tiệm khác là mất khách”, chị Oanh bật mí.
|
Vợ chồng chị Oanh và em gái xoay như chong chóng phục vụ khách xuyên Tết. Ảnh: Thu Hà |
Suốt mấy ngày 28 – 29 – 30 Tết, ba bàn gội đầu trong tiệm không lúc nào trống. Cứ lượt khách này ra lại có người khác kế tiếp. Mỗi khách gội đầu và sấy hết khoảng 30 phút.
Làm việc xuyên Tết, bữa ăn cũng thất thường theo. Vợ chồng chị vừa trông con vừa làm việc, chỉ có thể tranh thủ nấu nướng và “cắt cử” nhau ăn cơm.
“Làm việc những ngày này thực sự rất mệt. Tay mỏi rời rã. Nhiều khi nhìn thấy khách vào là…sợ. Nhưng phải cố gắng thôi, sau đó sẽ được nghỉ bù”, chị Oanh hóm hỉnh.
Chiều mùng 1 vợ chồng chị mới gói ghém đồ đạc về quê ăn Tết muộn. Lúc này, đường phố yên bình, cứ thế thong dong khoảng 2 tiếng là về tới quê nhà.
“Cũng may mắn nhà chồng mình tâm lý, không yêu cầu nàng dâu phải chuẩn bị Tết nhất nên hai vợ chồng có thể yên tâm làm việc xuyên Tết”, chị Oanh bộc bạch.
Không ít gia đình trẻ có chủ trương ăn Tết như thế. Họ không vội về quê vì quan điểm bây giờ Tết nhất cũng như ngày thường.
Chỉ có vài ngày Tết, cứ để mọi người về trước, mình về sau cho thong thả. Hơn nữa, việc trụ lại thành phố kiếm tiền trong những ngày mọi người đã nghỉ sẽ đem lại thu thập vô cùng hậu hĩnh. Điều này giúp họ không phải đối mặt với nỗi lo toan chi tiêu khi chia tay Tết Nguyên đán!
Theo Thu Hà/Em Đẹp