Chị em cần nhớ, phải biết yêu thương bản thân mình, không nên thỏa hiệp với bạo hành gia đình. Ảnh minh họa
"Sống không nổi, từ bỏ cũng không xong"
Đến giờ chị Mai Thị Hoài (ở Hà Nội) vẫn luôn lo sợ khi muốn li hôn với chồng. Chị kể, vợ chồng chị lấy nhau đã 4 năm và có với nhau một cậu con trai hơn 2 tuổi. Từ ngày có con, thay vì phụ vợ việc nhà và chăm sóc con, chồng chị lại chơi bời nhiều hơn.
Anh chẳng còn quan tâm yêu thương vợ. Anh không chỉ cờ bạc, rượu chè mà còn thích "đi gái". Lần nào say rượu về là thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ, nhưng xong sau đó lại coi như không có chuyện gì xảy ra.
Chịu không nổi, chị Hoài đã đề nghị li hôn nhưng anh chồng nhất định không chịu. Gần đây nhất khi chị đòi li dị thì bị chồng đá vào mạng sườn ngất lịm. Vừa tỉnh lại, chị bị chồng đe dọa: "Nếu cô còn có ý định bỏ chồng thì cả nhà cô sẽ phải trả giá".
Lo sợ anh sẽ làm hại mọi người vì chị từng biết tiểu sử thời thanh niên anh có thói côn đồ. Hơn nữa, việc làm ăn của anh thời gian gần đây thua lỗ, nợ nần nhiều. Sợ anh sẽ cùng đường rồi làm chuyện dại dột ảnh hưởng đến tính mạng của hai mẹ con và những người thân trong nhà nên chị đành chịu cảnh sống bị chồng bạo lực về tinh thần.
Trong nhiều năm trở lại đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện những vụ án liên quan đến sự vụ chồng giết vợ vì lý do người vợ đòi li hôn hay đơn phương li hôn. Có trường hợp chồng phục kích trên đường để giết vợ sau khi từ phiên tòa li hôn trở về, có trường hợp đã li hôn nhưng người chồng vẫn quay trở về để truy sát vợ cũ…
Trước đó, có trường hợp người chồng ở Cẩm Phả (Quảng Ninh) giết vợ ngay trước ngày li hôn. Mâu thuẫn gia đình xảy ra khi người vợ muốn li hôn nhưng chồng không đồng ý. Người chồng đã nhiều lần đe dọa sẽ giết vợ nếu đòi li hôn. Quá bực tức khi vợ cương quyết đòi li hôn, chồng đã đâm vợ dẫn đến tử vong.
Khéo léo không xúc phạm đối phương
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, tình cảnh của những người phụ nữ phải chịu cảnh "sống không nổi, bỏ cũng không xong" với những người đàn ông tồi tệ, bạo hành không phải ít. Và không hiếm ông chồng dùng bạo lực để níu kéo hạnh phúc có nguy cơ đổ vỡ.
Ngoài hành vi đe dọa, mắng chửi, đánh đập, không ít người tước đi sức khỏe, sự sống của người bạn đời… Phản ứng này của người chồng xét về mặt tâm lý là do bị dồn vào bước đường cùng, bế tắc, không tìm ra cách giải quyết hợp lý.
Hơn nữa là do quan niệm không được phép bỏ chồng vẫn còn dai dẳng khiến cho người chồng cảm thấy li hôn sẽ làm mất danh dự nên họ tìm mọi cách để giữ hôn nhân dù rằng biết không hạnh phúc. Trong trường hợp này, người vợ cần để bạn đời có thời gian chuẩn bị tâm lý để không rơi vào tình trạng ức chế hoặc sốc, dẫn đến không kiểm soát được hành vi của mình.
Để giải thoát cuộc hôn nhân không có hạnh phúc như trên, người vợ phải hết sức khéo léo. Khi muốn li hôn cần nhớ tuyệt đối không xúc phạm đối phương, không kể lể thói hư tật xấu của họ hay so sánh với người khác, đặc biệt là nhắc tới người thứ 3 kể cả đây là nguyên nhân mình muốn chia tay. Ngoài ra, khi người vợ đơn phương muốn chấm dứt cuộc hôn nhân đừng đột ngột nói chia tay khi đối phương đang có cú sốc tinh thần. Khi tinh thần họ bất ổn, việc "đổ thêm dầu vào lửa" này sẽ tạo thành vết thương lớn khiến họ không kiểm soát được.
Theo các chuyên gia tâm lý, trong trường hợp người vợ quyết định chọn cách sống chung, khôn ngoan nhất là xác định mình phải tu sửa chính thân tâm mình, thay vì sửa chồng thì tự sửa mình. Để tránh hậu quả xấu có thể xảy ra khi tiến hành li hôn đơn phương, người vợ cần phải chủ động bảo vệ mình.
Người vợ nên tạm lánh đi nơi khác một thời gian, đồng thời làm đơn tố cáo hành vi này với công an quận/huyện để họ bảo vệ mình. Để chứng minh cho lời tố cáo của mình là có căn cứ nên nộp kèm theo đơn tố cáo các tin nhắn đe dọa, khủng bố tinh thần hoặc lời khai của các nhân chứng để cơ quan điều tra có thêm thông tin khi giải quyết vụ việc. Chị em cũng có thể tìm đến Hội phụ nữ để được giúp đỡ.
Cần nhớ, phụ nữ phải biết yêu thương bản thân mình, không nên thỏa hiệp với bạo hành gia đình.
Tại Điều 133 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về tội “Đe dọa giết người”. Theo đó, “Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện” thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đe dọa giết người và bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phương Thuận
'Dùng tính mạng để níu giữ tình yêu, em sẽ được gì ngoài một vài bó hoa trên nấm mồ?'
Theo