Lầm tưởng thức ăn nấu bằng lò vi sóng gây ung thư

Google News

Một số người cho rằng lò vi sóng khiến thực phẩm nhiễm phóng xạ. Số khác khẳng định các chất hóa học từ bát đĩa được làm nóng sẽ ngấm vào thức ăn.

Năm 1964, một kỹ sư đang làm việc gần nam châm - một phần của hệ thống radar - thì nhận thấy bức xạ ở tần số vi sóng đã làm tan chảy thanh thức ăn nhanh mà anh ta đang cất trong túi. Sự việc bất ngờ đã khiến người kỹ sư này thực hiện ngay cuộc điều tra nhỏ.

Ông và cộng sự nhận ra chùm tia phát xạ vi ba hội tụ (sóng năng lượng ở tần số gần chế độ tần số vô tuyến) sẽ khiến các phân tử phân cực hoặc bất đối xứng về điện như nước trong thực phẩm quay liên tục.

Điều này tạo ra năng lượng nhiệt và có thể làm nóng thực phẩm nhanh chóng gần như đồng đều. Và thế là, lò vi sóng ra đời, trở thành cuộc cách mạng. Món đầu tiên mà người kỹ sư đó thử với chiếc lò là bỏng ngô. Nhưng khi họ quay một quả trứng, nó phát nổ.

Sự ra đời của lò vi sóng mang tới những tiện nghi cho người dân trên toàn thế giới. Song, nhiều quan niệm sai lầm về cách thức hoạt động và việc sử dụng chiếc máy này vẫn tồn tại. Một trong số đó là lò vi sóng có thể gây ung thư.

Dưới đây là 3 lầm tưởng về lò vi sóng mà tạp chí Scientific American lần lượt làm rõ.

Nhiệt độ cao giúp lò vi sóng làm nóng thức ăn tới tận bên trong?

Điều này là không thể. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, vi sóng chỉ xâm nhập vào thực phẩm ở độ sâu 2,5-3,8 cm dưới bề mặt. Bất kỳ thực phẩm nào dày hơn sẽ được làm nóng thông qua sự dẫn nhiệt từ các lớp bên ngoài thực phẩm vào trung tâm.

Nấu ăn bằng lò vi sóng cũng không thể tiêu diệt vi khuẩn như lò nướng thông thường. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo chúng ta có thể ăn phải thịt chưa được nấu chín, dễ dẫn tới ngộ độc, nhiễm khuẩn nếu quan niệm dùng lò vi sóng có thể làm chín mọi thực phẩm.

Lam tuong thuc an nau bang lo vi song gay ung thu

Lò vi sóng làm nóng, chín thực phẩm bằng cách làm nóng phân tử nước bên trong thực phẩm. Ảnh: Freepik.

Lò vi sóng làm mất chất dinh dưỡng?

Sự thật là một số chất dinh dưỡng như vitamin C sẽ bị phân hủy khi tiếp xúc nhiệt, nhưng đây không phải vấn đề chỉ xảy ra khi nấu bằng lò vi sóng. Nó có thể xuất hiện ở bất kỳ cách làm nóng nào.

Trên thực tế, thời lượng sử dụng lò vi sóng rất ít, chỉ khoảng 30 giây đến 1-2 phút. Điều đó có nghĩa cơ hội để các chất dinh dưỡng bị phân hủy cũng rất ít. Lò vi sóng thậm chí còn được cho là giúp bảo toàn dinh dưỡng khi nó sử dụng ít nước, hạn chế rửa trôi, bay mất khoáng chất khi chúng ta đun sôi.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp hạng vi sóng ở hàng 2B hoặc 4B vì nó gần gũi với cơ thể con người, não hoặc tai. Chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định tác hại của lò vi sóng.

Theo WHO, thực phẩm được nấu trong lò vi sóng là an toàn và có giá trị dinh dưỡng tương tự khi nấu theo cách truyền thống. Lò vi sóng sử dụng bức xạ điện tử có bước sóng khoảng 12 cm và vật chứa vi sóng không hấp thụ bức xạ có tần số như vậy.

Bức xạ vi sóng gây ung thư?

GS.TS Manoj Sharma, chuyên gia về ung thư bức xạ, nguyên Giám đốc Trường Cao đẳng Y tế Maulana Azad, New Delhi, Ấn Độ, khẳng định không có bằng chứng khoa học nào cho thấy lò vi sóng có thể gây ung thư.

Vị chuyên gia trả lời Health Analytics Asia: “Lò vi sóng đã được sử dụng hơn nửa thế kỷ qua để nấu ăn. Tôi chưa thấy bất kỳ dữ liệu hay công bố nào từ Mỹ - nơi nó được sử dụng nhiều nhất - đề cập chuyện gây ung thư”.

Hiệp hội Ung thư Mỹ giải thích: “Khi vi sóng bị hấp thụ bởi thức ăn chứa nước, nó sẽ khiến các phân tử nước dao động và tạo ra nhiệt. Lò vi sóng không sử dụng tia X hoặc gamma, chúng không khiến thực phẩm bị nhiễm phóng xạ. Lò vi sóng, lò nướng có thể nấu chín thức ăn nhưng chúng không làm thay đổi cấu trúc hóa học hoặc phân tử của nó”.

Theo Hội đồng Ung thư Australia, nhiều loại bức xạ khác nhau có mức năng lượng khác nhau. Tia X có rất nhiều năng lượng và có khả năng phá vỡ DNA. Đây được gọi là bức xạ ion hóa và đặc biệt với sự tiếp xúc tích lũy theo thời gian, nó có thể góp phần tăng nguy cơ bị ung thư.

Vi ba, sóng vô tuyến, ánh sáng mà chúng ta có thể nhìn thấy là những ví dụ về bức xạ không ion hóa. Bức xạ không ion hóa duy nhất gây ung thư là tia cực tím (UV). Đó là lý do chúng ta được khuyên nên bảo vệ bản thân khỏi tiếp xúc quá mức với ánh nắng mặt trời khi tia UV cao.

Lam tuong thuc an nau bang lo vi song gay ung thu-Hinh-2

Lò vi sóng không gây ung thư nhưng có thể gây bỏng nếu bạn tiếp xúc bức xạ vi sóng ở mức độ cao. Ảnh: iStock.

Với một số người, thuật ngữ bức xạ có thể mang theo ý nghĩa tiêu cực. Nhưng thực tế, nó có nghĩa năng lượng được phát ra từ một nguồn nào đó. Bức xạ phát ra từ cơ thể chúng ta dưới dạng nhiệt. Ánh sáng mặt trời giữ ấm cho chúng ta và cho phép con người di chuyển ra ngoài trời vào ban ngày cũng là bức xạ.

Các dạng bức xạ thường liên quan ung thư là những dạng có năng lượng hoặc tần số đủ cao để ion hóa - hoặc loại bỏ các điện tử khỏi - nguyên tử hoặc phân tử, do đó, chúng có thể gây tổn thương tế bào con người.

Ngược lại, vi sóng là một dạng bức xạ có năng lượng thấp hơn nhiều. Vì vậy, chúng có thể khiến các phân tử rung động, như các phân tử nước trong thức ăn thừa nhưng chúng không làm thay đổi cấu trúc hóa học của thực phẩm bằng cách ion hóa nó hoặc thông qua bất kỳ phương thức nào khác.

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, lượng bức xạ được phép rò rỉ ra ngoài lò vi sóng dựa trên luật liên bang ở nước này thấp hơn nhiều so với mức có thể gây hại. Lưới kim loại có thể nhìn thấy trên hầu hết cửa lò vi sóng còn có các lỗ đủ nhỏ để vi sóng không thể thoát ra ngoài nhưng đủ lớn để ánh sáng nhìn thấy vẫn có thể đi qua, hay nói cách khác, đủ lớn để bạn vẫn có thể nhìn thấy bên trong để kiểm tra về tiến độ làm nóng món ăn.

Theo WebMD, bức xạ của lò vi sóng không gây ung thư, nhưng nó có thể gây bỏng nếu bạn tiếp xúc. Bức xạ vi sóng có thể làm nóng mô cơ thể giống cách nó làm nóng thức ăn. Tuy nhiên, những vết bỏng này chỉ gây ra khi bạn tiếp xúc bức xạ vi sóng ở mức độ cao.

 
Theo Thiên Nhan/Zing.vn