Lấy viên sỏi nặng 700g trong bàng quang người đàn ông 45 tuổi

Google News

Sỏi bàng quang để lâu không điều trị có thể biến chứng thành suy thận, ung thư bàng quang gây nguy hiểm tính mạng.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk), đã phẫu thuật cho bệnh nhân nam 45 tuổi bị u bàng quang và lấy một viên sỏi "khủng" ra ngoài.
Bệnh nhân Y.K.E. 45 tuổi (trú huyện Krông Ana) nhập viện vào ngày 21/9 trong tình trạng đau quặn vùng bụng dưới, cơ thể suy nhược, mệt mỏi, tái nhợt, tiểu ra máu.
Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có một khối u trong lòng bàng quang, kèm khối sỏi rất to, cần phải mổ lấy sỏi và cắt khối u.
Lay vien soi nang 700g trong bang quang nguoi dan ong 45 tuoi
Viên sỏi bàng quang nặng 700g được lấy ra từ cơ thể bệnh nhân. Ảnh Giaoducthoidai 
BS Nguyễn Ngọc Hoàng - Trưởng khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, bệnh nhân tiểu ra máu, bị suy thận nên phải truyền nhiều đơn vị máu mới có thể phẫu thuật.
Ca phẫu thuật gặp nhiều khó khăn vì viên sỏi quá to, dính trong bướu bàng quang và chèn ép 2 miệng niệu quản nên ê-kíp phải mổ lấy viên sỏi một phần và cắt khối u bàng quang, giải phóng niệu quản để thông nước tiểu.
“Sau gần 2 giờ đồng hồ phẫu thuật, chúng tôi đã lấy được viên sỏi bàng quang nặng 700g. Hiện sức khỏe bệnh nhân dần ổn định.
Trong 20 năm hành nghề, đây là lần đầu tôi thấy viên sỏi bàng quang lớn như vậy”, bác sĩ Hoàng nói.
Theo bác sĩ Hoàng, bệnh nhân phát hiện có khối u ở bụng dưới nhưng đã không đi điều trị cho đến khi sức khỏe suy kiệt, quá đau đớn mới nhập viện. Do đó, bác sĩ Hoàng khuyến cáo các bệnh nhân khi phát hiện cơ thể có dấu hiệu bất thường phải đến các cơ sở y tế để thăm khám điều trị kịp thời.
"Sỏi bàng quang để lâu không điều trị có thể biến chứng thành suy thận, ung thư bàng quang rất nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng", bác sĩ Hoàng thông tin.
Nguyên nhân gây sỏi bàng quang
Sỏi bàng quang là những mảnh cặn chất cứng bị lắng đọng trong bàng quang do nước tiểu không đào thải được hết ra bên ngoài, lâu dần kết tinh lại với nhau tạo thành khối chất rắn gọi là sỏi.
Sỏi từ các cơ quan trong hệ tiết niệu: không phải lúc nào sỏi cũng được hình thành từ bàng quang. Có 1 số trường hợp xuất hiện sỏi niệu quản, sỏi thận rơi xuống bàng quang.
Viêm tuyến tiền liệt (thường gặp ở nam giới): Cổ bàng quang bị chít hẹp do u xơ tuyến tiền liệt, viêm tiền liệt mãn tính đè cổ bàng quang gây ứ đọng nước tiểu. Nước tiểu bị ứ đọng dẫn đến tạo sỏi bàng quang (viêm nhiễm, u, cục, túi thừa bàng quang).
Sa bàng quang (thường gặp ở phụ nữ): Thành bàng quang yếu và sa xuống âm đạo làm chặn dòng nước tiểu. Theo thời gian trong bàng quang dẫn tới hình thành sỏi.
Hẹp niệu đạo: Bệnh sỏi bàng quang có thể do chít hẹp niệu đạo gây ứ đọng nước tiểu tạo thành cặn sỏi.
Bổ sung thừa chất gây ra bệnh sỏi bàng quang: Các loại thuốc thực phẩm chức năng rất tốt cho cơ thể. Tuy nhiên nếu bổ sung quá nhiều canxi, phốt pho, chất khoáng sẽ gây thừa chất. Các chất thừa sẽ không thể chuyển hóa hết và tích tụ dần thành sỏi.
Thiết bị y tế: Các dụng cụ y tế như ống thông tiểu, vòng tránh thai cũng có thể là nguyên nhân gây sỏi.
Thói quen sinh hoạt và ăn uống không lành mạnh: Ăn ít rau, uống ít nước sẽ khiến cơ thể không trao đổi được chất gây tích tụ cặn. Thường xuyên ngồi một chỗ, ít vận động do các bệnh như tai biến mạch máu não, bại liệt, viêm khớp chậu cũng dễ hình thành sỏi thận.

Giang Thu