Đọc thông tin y học trên báo, đài giúp nhiều người có thêm kiến thức để tự chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình. Thế nhưng, một số người có tính âu lo quá mức, hễ thấy ai đó mắc bệnh thì cứ nghĩ triệu chứng đó giống với triệu chứng mà mình từng gặp.
“Chê” bác sĩ yếu kém
Khi con trai nhập viện vì cơn suyễn tái phát, chị Nguyễn Bình M. (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) đã khóc như mưa vì lo lắng và hối hận.
“Nghe người ta nói về Zika nhiều quá, tôi đâm hoảng nên mua thuốc xịt muỗi xịt lung tung dù trước đó, bác sĩ (BS) có dặn cháu bị suyễn thì đừng xài thuốc xịt muỗi, xịt phòng. Trong lúc chăm con đang cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, tôi tìm đến một BS hỏi chuyện mới biết với một cậu bé 6 tuổi như con tôi, có mắc Zika cũng chỉ phát bệnh nhẹ, không cần nhập viện. Lúc này, tôi mới thấy mình dại vì hôm ấy, sau khi vào phòng xịt muỗi, bé đã lên cơn...” - chị M. kể lại.
Những người hay lo sợ quá đáng về bệnh tật có thể dẫn đến các bất thường về mặt tâm lý - tâm thần khi lo âu sinh lý đã quá mức và chuyển thành lo âu bệnh lý, trầm cảm hay rối loạn nghi bệnh. ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP HCM, đưa ra một ca bệnh điển hình mà ông từng gặp. Đó là một nữ bệnh nhân tuổi trung niên, gia đình khá giả, sức khỏe tốt nhưng lúc nào cũng phàn nàn về một số bệnh lý khác nhau mà bà nghĩ mình mắc phải. Vì nỗi lo này, bà đã đến rất nhiều bệnh viện, phòng mạch tư nhưng vẫn không phát hiện được gì. Thay vì mừng rỡ vì kết quả đầy các dòng chữ “bình thường”, bà nhiều lần tỏ ra nóng giận, chê các BS yếu kém. Quá mệt mỏi, gia đình cuối cùng cũng tìm cách đưa bà đến gặp BS tâm thần!
|
Làm thủ tục khám bệnh tại một cơ sở y tế ở TP HCMẢnh: TẤN THẠNH |
Rối loạn thần kinh thực vật
ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang cho biết: “Nghĩ rằng mình mắc bệnh hay cho rằng một thói quen nào đó của mình có thể dẫn đến bệnh sẽ tạo ra những lo âu sinh lý. Lo âu sinh lý quá mức sẽ trở thành lo âu bệnh lý và nỗi lo này có thể dẫn đến các dấu hiệu trầm cảm, ám ảnh”. Ông giải thích rằng dù không có bệnh thực thế nhưng chính căn bệnh trong tâm trí này sẽ làm rối loạn hệ thần kinh thực vật, gây hoa mắt, chóng mặt, tim đập nhanh, thường xuyên vã mồ hôi, luôn có cảm giác bất an.
Theo BS Quang, hiện tượng này hay gặp ở nhóm người có “nhân cách nghệ sĩ”, dễ bị ám thị. Ngoài ra, nhóm phụ nữ tuổi trung tiên, tiền mãn kinh còn hay mắc một chứng gọi là “rối loạn nghi bệnh”, nghĩa là khi nghe người ta nói về bệnh gì thì lại “nghi nghi” rằng mình có các triệu chứng của bệnh đó.
ThS tâm lý Nguyễn Đại Hành, Khoa Cận lâm sàng Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP HCM, cho rằng cách xử lý tốt nhất khi người thân có biểu hiện rối loạn nghi bệnh hoặc lo âu quá mức rằng mình mắc bệnh này, bệnh kia là hãy đưa họ đi khám. Với một số người, bảng kết quả bình thường từ một nơi khám chữa bệnh uy tín hoặc lời khuyên của một BS tin cậy có thể giúp họ vơi bớt lo âu.
Tuyệt đối không nổi nóng, ngăn cản người bệnh đi khám vì như thế chỉ làm họ thêm lo âu, ám ảnh. Tuy nhiên, nếu đã đến mức đi khám nhiều nơi mà người bệnh vẫn tin rằng mình có bệnh thì nên tìm cách đưa họ đến các chuyên gia tâm lý - tâm thần. Lúc này thì họ đang thực sự có bệnh, không phải là bệnh thực thể như họ nghĩ mà là bệnh về tinh thần.
Coi chừng giả thành thật!
ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang cho rằng các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật lúc đầu có thể chỉ là do tâm lý. Lâu ngày, kèm theo điều kiện sức khỏe sa sút, những căn bệnh hoang tưởng có thể trở thành bệnh thật lúc nào không hay hoặc tạo cơ hội cho những căn bệnh khác tấn công. Tốt nhất, nếu đã loại bỏ các yếu tố như sang chấn tâm lý, sử dụng chất kích thích mà biểu hiện nghi bệnh vẫn rõ ràng thì người bệnh cần được điều trị bằng thuốc hay các liệu pháp tâm lý theo chỉ định của BS chuyên khoa.
Theo Anh Thư/Người Lao Động