TS.BS Lê Thanh Hùng, Trưởng khoa Khoa Ngoại thận - Tiết niệu, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết, bệnh nhi này đã từng được phẫu thuật một lần nhưng không giải quyết được dị tật bẩm sinh này.
Vì phải mang tã từ lúc 5 tuổi nên đến lớp 6, em đã nghỉ học do đến trường bạn bè trêu chọc.
|
Bệnh nhi bị lỗ tiểu đóng cao, nằm ở lưng dương vật, dương vật ngắn, cổ bàng quang bị rộng. Ảnh minh họa |
Cuộc đời em cũng luẩn quẩn trong nhà từ đó. Ba bị chết do tai nạn giao thông cách mấy năm nay, mẹ đi làm xa tận Đồng Nai để kiếm sống. Hiện bệnh nhi ở với bà nội, ông nội đi làm mướn gần nhà.
Để được lên khám và phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi đồng 1, các cô chú, hàng xóm đã góp mỗi người một ít.
TS.BS Lê Thanh Hùng cho biết, bệnh nhi mắc phải một dị tật bẩm sinh hiếm gặp, lỗ tiểu đóng cao, nằm ở lưng dương vật, dương vật ngắn, cổ bàng quang bị rộng. Dị tật này khiến dòng nước tiểu chảy ra không ngừng nên bệnh nhi bị són tiểu liên tục. Hằng ngày em phải dùng 3 cái tã giấy.
Các bác sĩ Khoa Ngoại thận - Tiết niệu đã tiến hành phẫu thuật chỉnh sửa và tạo hình lại niệu đạo, giúp dương vật dài ra thêm và tạo hình giúp cổ bàng quang khép lại và giữ được nước tiểu. Dương vật được “kéo” dài hơn trước và hết hẳn són tiểu. Sau hơn 10 năm, giờ bệnh nhi đã không cần mặc tã.
|
Các bác sĩ Khoa Ngoại thận - Tiết niệu đã tiến hành phẫu thuật chỉnh sửa và tạo hình lại niệu đạo, giúp dương vật dài ra thêm và tạo hình cổ bàng quang. Bệnh nhi không cần mang tã nữa. |
TS.BS Lê Thanh Hùng chia sẻ thêm, tỷ lệ mắc dị tật lỗ tiểu đóng cao này ước tính 1/117.000. Ngoài mặc cảm thiếu tự tin, theo những khảo sát ở Mỹ, các chuyên gia nhận thấy, những bé trai bị dị tật tiết niệu bẩm sinh nếu mổ trễ, trẻ sẽ mặc cảm, bỏ học, ngại tiếp xúc và ít hoà nhập với cộng đồng.
Bên cạnh đó, do thường xuyên són tiểu, vùng kín bị ẩm ướt dẫn đến các tình trạng viêm nhiễm khác.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đắk Lắk: Phẫu thuật chuyển giới thành công cho bé gái 5 tuổi:
An Quý