23h đêm 29/9, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận 3 bệnh nhân L.T.Y (75 tuổi), L.M.C (50 tuổi) và N.V.B. (57 tuổi) đều trú tại xã Liên Hội, huyện Văn Quan nhập viện sau khi cùng ăn hoa chuông xào.
|
Hoa chuông chứa chất độc được xếp vào bảng A, có thể nguy hiểm tính mạng. Ảnh minh họa. |
Tại bệnh viện, cả 3 bệnh nhân đều hôn mê, kích thích, vật vã, tím tái, suy hô hấp, ngừng thở. Các bác sĩ đã nhanh chóng cấp cứu bệnh nhân theo phác đồ chống độc bằng cách rửa dạ dày, dùng than hoạt tính, hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp. Riêng bệnh nhân C. do suy hô hấp nặng, ngừng thở nên phải đặt thở máy.
May mắn hiện nay, 3 bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, các chỉ số ổn định. Trong đó bệnh nhân C. đã được rút ống thở, bệnh nhân B. bí tiểu, không thể tự tiểu được. Riêng bệnh nhân Y. có dấu hiệu rối loạn tâm thần, không nhận ra người thân, không nhận biết được không gian, thời gian.
Cây hoa chuông là cây mọc dại hoặc được trồng làm cảnh khá phổ biến. Trong từ điển cây thuốc Việt Nam, loại cây này còn được gọi với cái tên “cây thôi miên” hay “hơi thở của quỷ” bỏ trong hoa của loài cây này chứa chất gây ảo giác Scopolamine (chất độc bảng A).
Các bác sĩ cảnh báo, tất cả các bộ phận của cây hoa chuông có chứa độc tố cực mạnh, có thể dẫn đến ngộ độc sau khi ăn. Ở dạng nhẹ, bệnh nhân ngộ độc có biểu hiện nôn trớ, mệt mỏi, choáng váng,... Ở dạng ngộ độc nặng, người bệnh có thể bị suy thận, suy tim cấp, bị ảo giác, hoang tưởng..., ngộ độc hoa chuông nếu không được cấp cứu kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong.
Theo các nhà khoa học, chỉ cần uống một giọt dịch chất chiết xuất từ chất scopolamine của hoa chuông, một người khỏe mạnh có thể rơi vào trạng thái vô thức. Nạn nhân có thể sẽ nghe, làm theo lời người đối diện một cách vô thức.
Do có độc tính cao nên cây hoa chuông thường được sử dụng để bào chế các loại thuốc có tác dụng giảm đau, chống say tàu xe, tiền mê, trị hen suyễn... với một lượng rất nhỏ, hoặc được sử dụng như một loại “thuốc sự thật” để lấy lời khai tù nhân, phạm nhân hoặc làm mất tri giác tạm thời.
Thảo Nguyên