Lợi ích của rau má đối với sức khỏe
Rau má chứa hàm lượng lớn saponin với đặc tính kháng khuẩn, chống viêm và chữa lành da. Nhờ đó rau má thường được sử dụng giúp hỗ trợ tái tạo vùng da tổn thương do mụn, tránh tạo sẹo từ giai đoạn kết da non. Hơn thế nữa, nhờ sự kết hợp của các axit amin, beta carotene, axit béo và chất phytochemical, rau má trở thành một trong những thành phần dưỡng da phổ biến giúp da săn chắc, chống lại các dấu hiệu lão hóa và bảo vệ da khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường.
Báo VnExpress dẫn lời bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, khoa Y học Cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết rau má là loại thực vật thông dụng, được chế biến thành nước ép, canh giúp giải nhiệt mùa nắng nóng. Bên cạnh đó, rau má là vị thuốc tác dụng thanh nhiệt giải độc.
Theo các sách thuốc cổ như Bản thảo cương mục, Dược tính luận, Nam dược thần hiệu, rau má có vị đắng, tính hàn, công dụng thanh nhiệt, giải độc. Nhiều nghiên cứu dược lý học hiện đại cho thấy rau má chứa glucorit, các saponin và một số chất tác dụng trấn tĩnh, an thần thông qua cơ chế tác động trực tiếp lên hệ thống thần kinh trung ương.
Loại rau này còn có tác dụng điều trị các vết ở da và niêm mạc, do các saponin chứa trong dịch chiết tác dụng kích thích quá trình sinh trưởng của tế bào da, làm tăng sinh mạng lưới huyết quản của tổ chức liên kết, giúp các mô tái tạo nhanh chóng, khiến vết thương mau lành.
Giảm sự xuất hiện của các vết rạn da: Theo báo Lao Động, rau má có khả năng làm giảm sự xuất hiện của các vết rạn trên da. Chất terpenoids có trong rau má giúp làm tăng sản xuất hàm lượng collagen trong cơ thể. Điều này có thể giúp ngăn ngừa các vết rạn da mới hình thành, cũng như giúp chữa lành các vết rạn da hiện có.
Mát gan lợi tiểu: Rửa sạch 30 – 100g rau má tươi, giã nát, vắt lấy nước uống hàng ngày hoặc xay nhuyễn bằng máy rồi cho thêm đường vào uống.
Chữa chấn thương phần mềm gây sưng nề: Giã nát 20 – 30g rau má tươi, vắt lấy nước, hòa với một chút rượu uống.
Chữa mụn nhọt: Rau má 50g, lá gấc 50g. Rửa cả hai thứ thật sạch, giã nhỏ, cho ít muối vào trộn đều, đắp lên chỗ đau rồi băng lại. Ngày thay thuốc hai lần. Đắp đến khi khỏi.
Trị cảm nắng, nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt: Lấy 1 nắm rau má tươi rửa sạch, giã nhuyễn lấy nước cốt pha loãng, thêm vài hạt muối và uống. Lấy bã đắp lên trán và thái dương.
Chữa vàng da, vàng mắt: Rau má 50g, lá ngải cứu 50g. Đem hai thứ rửa sạch, đun nước uống hàng ngày.
Giảm đau bụng kinh nguyệt, đau lưng: Hái rau má lúc ra hoa, phơi khô, tán nhỏ. Ngày uống 1 lần vào buổi sáng, mỗi lần uống 2 muỗng cà phê.
Giảm tiểu ra máu: Lấy một nắm rau má và một nắm ích mẫu thảo, rửa sạch, giã nát và vắt lấy nước uống.
Giảm ho gà: rau má 100g, thịt lợn gầy 30g, nấu chín chia ăn 2 lần trong ngày.
Nước rau má có nhiều tác dụng với sức khỏe nên được nhiều người sử dụng phổ biến hàng ngày. Ảnh minh họa.
Ai không nên uống nước rau má?
Những người có cholesterol cao và bệnh tiểu đường không được uống nước rau má nhiều.
Phụ nữ đang trong thời kỳ sinh nở và phụ nữ có thai không được uống nước rau má nhiều
Phụ nữ nếu dùng rau má lâu ngày có thể làm giảm khả năng mang thai. Loại rau này cũng gây nguy cơ sảy thai nếu sử dụng trong thai kì.
Rau má làm tăng lượng cholesterol và lượng đường trong máu, vì vậy những người có cholesterol cao và bệnh tiểu đường nên tránh lạm dụng sử dụng rau má quá nhiều.
Không chỉ vậy, đối với người đang có 2 bệnh trên, dùng rau má cùng với uống thuốc điều trị có thể làm giảm hiệu quả của insulin và thuốc tiểu đường uống khác, cũng như các thuốc hạ cholesterol.
Lưu ý: Một ngày mỗi người bình thường có thể dùng một cốc rau má, tương đương với khoảng 40 gram rau má trở lại, nhưng cũng không nên uống quá một tháng. Nếu muốn dùng đợt sau thì phải nghỉ tối thiểu là nửa tháng rồi mới dùng tiếp.
Theo Trúc Chi/Người Đưa Tin