Loại virus cổ có thể là chìa khóa để điều trị ung thư phổi

Google News

Một nghiên cứu mới cho thấy tàn tích của virus cổ đại còn sót lại trong DNA của con người có thể giúp chúng ta chống lại bệnh ung thư phổi.

Loai virus co co the la chia khoa de dieu tri ung thu phoi

Các tế bào miễn dịch (màu xanh) tập trung ở rìa khối u phổi. Ảnh: Viện Francis Crick.

Theo Business Insider, các nhà khoa học từ Viện Francis Crick, được tài trợ một phần bởi tổ chức Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh, đã phát hiện những virus này, được gọi là retrovirus nội sinh, không hoạt động ở hầu hết mọi người nhưng có thể thức tỉnh trong mô ung thư.

(Retrovirus là một loại virus RNA chèn một bản sao bộ gen của nó vào DNA của tế bào vật chủ mà nó xâm nhập, do đó thay đổi bộ gene của tế bào đó.)

Khi nghiên cứu mô ung thư phổi ở cả chuột và mô người, các nhà khoa học phát hiện khi các tế bào này được kích hoạt, chúng có thể tạo ra phản ứng miễn dịch từ các tế bào B - các tế bào bạch cầu tạo ra kháng thể nhằm tiêu diệt bệnh tật.

Vì vậy, khi retrovirus nội sinh cổ đại thức tỉnh trong các vùng ung thư, cơ thể chúng ta sẽ tạo ra phản ứng sinh học để chống lại ung thư.

"Hệ thống miễn dịch bị lừa, tin rằng các tế bào khối u đã bị nhiễm bệnh và nó cố gắng loại bỏ virus. Vì vậy, đây giống như hệ thống báo động", giáo sư George Kassiotis, Trưởng phòng thí nghiệm Miễn dịch học Virus tại Viện Francis Crick, nói với BBC.

Loai virus co co the la chia khoa de dieu tri ung thu phoi-Hinh-2

Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến thứ hai tại Mỹ. Ảnh: Weillcornell.

Theo ông, phát hiện này giúp các nhà khoa học tiến gần hơn đến việc tạo ra các phương pháp điều trị ung thư phổi hiệu quả hơn.

Giáo sư Kassiotis cho biết trong một tuyên bố: “Với nhiều nghiên cứu hơn, chúng tôi có thể tìm cách phát triển một loại vaccine điều trị ung thư bao gồm các gene ERV đã hoạt hóa để tăng cường sản xuất kháng thể tại vị trí ung thư của bệnh nhân và hy vọng cải thiện kết quả điều trị bằng liệu pháp miễn dịch”.

Ông nói thêm: "ERV đã ẩn náu dưới dạng dấu vết của virus trong bộ gene của con người trong hàng nghìn hoặc hàng triệu năm. Vì vậy, thật thú vị khi nghĩ rằng các căn bệnh của tổ tiên chúng ta có thể là chìa khóa để điều trị bệnh ngày nay".

Julian Downward, Phó giám đốc Nghiên cứu và là người đứng đầu Phòng thí nghiệm Sinh học Oncogene tại Viện Francis Crick, cho biết: "Công trình này mở ra một số cơ hội mới để cải thiện phản ứng của bệnh nhân đối với liệu pháp miễn dịch, một bước quan trọng trong việc giúp nhiều người sống sót sau ung thư phổi”.

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, ung thư phổi là loại ung thư phổ biến thứ hai ở cả nam và nữ tại Mỹ (khi loại trừ ung thư da). Tổ chức này ước tính vào năm 2023 sẽ có khoảng 238.340 ca ung thư phổi mới và 127.070 ca tử vong do căn bệnh này.

Theo Nguyên Lê/Zing