Loạn uống cho “siêu đẹp”, chữa bá bệnh
Rồi hàng loạt thực phẩm chức năng bào chế bằng cây cỏ, thuốc "siêu" trẻ đẹp...
Trên các diễn đàn dành cho các bà mẹ, nhiều chủ đề xin ý kiến tư vấn về thực phẩm chức năng dài hàng chục trang với nhiều chia sẻ đa chiều, từ ủng hộ đến phản bác.
Chị C.V. (30 tuổi, TP.HCM) thấy bạn bè chuyền tay nhau mua các lọ nước và thuốc viên bổ sung collagen về uống để giảm nhăn da nên đã mua một lọ thuốc về dùng. Mỗi ngày chị uống 2 lần và đến nay đã uống gần hết lọ nhưng da dẻ không cải thiện gì. Không những vậy, đôi lúc chị V. còn bị chóng mặt, đau đầu, buồn nôn. Còn chị P.H. uống thì bị... xót bụng, đau dạ dày.
|
Chị H. nghe bạn bè khuyên uống collagen mỗi ngày sẽ đẹp da. Sau một thời gian mua về uống thấy không có tác dụng gì nên chị bỏ - Ảnh: Châu Anh |
Nhiều bác sĩ giật mình với các quảng cáo thực phẩm chức năng muôn hình vạn trạng. Theo các bác sĩ, nếu không làm các xét nghiệm thì người dùng cũng chẳng biết cơ thể mình bổ sung gì cho đúng. Tuy nhiên, nhiều chị em cứ tưởng rằng uống vào “không bổ chỗ này cũng bổ chỗ khác, có mất gì đâu mà lo”.
Bên cạnh đó, có không ít loại thực phẩm chức năng được “thần thánh hóa” thông qua các quảng cáo cũng gây nên sự hiểu lầm và hoang mang cho người tiêu dùng.
Mới đây, một công ty ở Hà Nội đã bị phạt 65 triệu đồng vì quảng cáo thực phẩm chức năng làm người xem hiểu lầm sản phẩm này là thuốc phòng và hỗ trợ điều trị ung thư.
Trước đó, hàng loạt cơ sở sản xuất các nhóm sản phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ tim mạch, huyết áp, khả năng tình dục cho nam - nữ bị xử phạt vì vi phạm quảng cáo. Nhiều đơn vị còn áp dụng hình thức quảng cáo trái phép trên mạng Internet, đến khi bị phát hiện thì không ai nhận đó là trang web của mình.
Chẳng phải thần dược
Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Hữu Đức. Theo ông Đức, hiện nay các sản phẩm trẻ đẹp hoặc chứa collagen được quảng cáo rất rầm rộ nhằm lôi cuốn người tiêu dùng với những lời “mật ngọt” như giúp chị em trẻ có làn da sáng mịn, còn các chị “có tuổi” sẽ loại được vết nhăn quanh trán, khóe mắt, miệng, cổ, mông, ngực, gò má, rồi không bị chảy xệ...Thậm chí, nhiều quảng cáo làm cho có sự hiểu lầm collagen là thần dược có thể “cải lão hoàn đồng”.
Thực tế uống collagen thì không khác ăn thịt, cá vì collagen sẽ tiêu hóa ở dạ dày - ruột tạo các acid amin, còn việc có được cơ thể người uống tổng hợp tạo thành collagen ở da giúp trẻ hóa da mặt hay không thì tới nay chưa có chứng cứ khoa học xác nhận.
Các chế phẩm dùng nguyên liệu không phải là collagen của người mà lấy từ các động vật khác có nguy cơ gây phản ứng dị ứng khi uống (phản ứng dị ứng là rối loạn xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với “chất lạ” mà nó không chịu dung nạp). Theo BS Đức, có trường hợp có người phải nhập viện để điều trị các nốt sưng đỏ, bọng nước trên da do uống collagen.
Thực phẩm chức năng, không phải muốn là... xài
Rất nhiều người dùng thực phẩm chức năng bị dị ứng do tự ý sử dụng. Dược sĩ Lê Kim Phụng chia sẻ một số người than phiền về dị ứng từ thực phẩm bổ sung dinh dưỡng. Bổ sung thực phẩm không đúng cách sẽ tạo ra mất thăng bằng hóa học cơ thể, chắc chắn sẽ gây ra phản ứng dị ứng.
Ví dụ phổ biến là dùng liều cao vitamin B để tăng tính chống oxy hóa và dùng thêm khoáng tố đồng để làm chậm quá trình oxy hóa, cả hai chất dinh dưỡng bổ sung này có thể gây ra những phản ứng nghiêm trọng, bởi vì dùng không đúng cách.
Sự lây nhiễm có thể xảy ra bất cứ nơi nào trong chu kỳ sản xuất. Do dư lượng thuốc trừ sâu và các chất ô nhiễm kim loại nặng có thể liên quan đến cây cỏ của người trồng, hoặc có thể do thâm nhập vào từ môi trường hoặc nước ngầm của nhà lân cận. Khoáng sản có thể bị ô nhiễm bởi các quá trình hóa học để ly trích chúng từ đá và quặng.
Không phải ai cũng uống được thực phẩm bổ sung. Nổi mẩn da là một dấu hiệu phổ biến của một phản ứng dị ứng khi sử dụng một loại thực phẩm bổ sung mới. Khi đó cần phải ngưng ngay và tham khảo bác sĩ của bạn. Các triệu chứng khác có thể bao gồm suyễn, tắc nghẽn xoang các rối loạn tiêu hóa, nổi mề đay.
Nếu một người được chẩn đoán mắc bệnh chàm, một phản ứng dị ứng với một thực phẩm bổ sung có thể gây ra tình trạng nặng thêm. Phản ứng có thể xảy ra ở người lớn cũng như trẻ nhỏ, mụn nước bắt đầu nổi ở cánh tay, chân và mặt.
Không phải thuốc nhưng rao thành thuốc
Các quảng cáo không đúng về thực phẩm chức năng, quảng cáo như thuốc chữa bệnh: “thuốc phòng và điều trị được ung thư, không hiệu quả sẽ trả lại tiền”, theo ông Nguyễn Thanh Phong - cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, quảng cáo của nhà sản xuất có quá nhiều vi phạm, như dùng thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo, sử dụng nhiều cụm từ “điều trị” trong quảng cáo loại thực phẩm chức năng và Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt hành chính công ty quảng cáo kiểu này do quảng cáo khi chưa được cơ quan chức năng xác nhận nội dung quảng cáo.
“Chúng tôi sẽ kiểm tra tổng thể các quảng cáo sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư và xử phạt rất nghiêm các vi phạm”- ông Phong cho hay.
LAN ANH
Thảo dược chứa chất độn
Đừng nghĩ rằng các loại thực phẩm bổ sung hay vitamin sẽ bảo vệ sức khỏe cho bạn, các nhà nghiên cứu từ Đại học Guelph cảnh báo. Nghiên cứu mới của họ phát hiện hầu hết các sản phẩm thảo dược đều có chứa các chất thay thế rẻ tiền hoặc chất độn mà không được liệt kê trên nhãn.
“Có sự gian lận từ sản phẩm thảo dược. Hiện nay không có tiêu chuẩn để xác định các sản phẩm chức năng từ thảo dược”- Steven Newmaster, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, giáo sư sinh học tại The Biodiversity Institute of Ontario, đã tuyên bố trước giới truyền thông như vậy.
“Các chị em nên ăn uống đầy đủ, cân bằng dưỡng chất, ăn nhiều trái cây - rau củ, tập thể dục đều đặn, nghỉ ngơi ngủ đầy đủ, sống lạc quan, tránh phiền muộn lo âu để tăng cường sức khỏe. Từ đó có thể cải thiện vấn đề da"
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức
Mời quý độc giả xem video 7 thực phẩm càng ăn nhiều càng tốt (nguồn Youtube):
Theo PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC - DS LÊ KIM PHỤNG - TRÀ MY/Tuổi Trẻ