Ngày Hương đưa Khoa về ra mắt gia đình bố cô đã không mấy ưng chàng rể tương lai. Bởi lẽ, nhà chỉ có hai cô con gái, cô cả đã lấy chồng tận trong Sài Gòn có khi cả năm mới về một lần, nên ông không muốn gả con út vào gia đình quá nhiều gánh nặng.
Bố Hương thích nghiên cứu văn hóa dân gian, thuật xem tướng số nên vừa nhìn Khoa ông đã nói rằng đó là người đàn ông có tính vũ phu, gia trưởng, về làm vợ người đàn ông như thế thì Hương sẽ khổ.
Đó là chưa kể Khoa là anh cả trong gia đình đông anh em. Anh có công việc ổn định với mức thu nhập khá thật nhưng theo sau còn có 3 em nhỏ, đứa nào cũng đang tuổi ăn, tuổi học, còn bố mẹ lại quanh năm làm nông. Hương về làm dâu kiểu gì cũng sẽ vất vả.
Thế nhưng mặc kệ sự can ngăn của bố mẹ, Hương vẫn nhất quyết đến với Khoa. Hương còn tuyên bố nếu không được bố mẹ tổ chức đám cưới cô sẽ theo không Khoa về làm vợ anh.
Vậy là bố mẹ thương con gái cũng đành nhắm mắt tổ chức đám cưới cho cô. Cưới nhau xong, vợ chồng Hương thuê một căn phòng trọ nho nhỏ cách nhà bố mẹ đẻ Hương khoảng 5 cây số.
Vì cả hai ông bà đều đã về hưu, lại rảnh rỗi nên từ ngày Hương sinh con, ngày nào mẹ cô cũng sang hỗ trợ con gái chuyện cơm nước, chăm cháu ngoại.
|
Ảnh minh họa |
Suốt thời gian chung sống, nhiều lần không hài lòng về vợ, Khoa lại nói năng hàm ý sang mẹ vợ không biết dạy con gái. Mẹ Hương thừa biết con rể đang móc máy mình nhưng để giữ hòa khí nên bà đành im lặng.
Hương cũng hiểu điều đó nên càng thương bố mẹ hơn, ức chế tích tụ lâu ngày. Hôm ấy, Hương bảo người hơi mệt nên nhờ Khoa nấu cháo cho con, nhưng Khoa lại xỉa xói rằng cô ở nhà ăn với chăm con mà cũng kêu mệt mỏi, trong khi anh còn phải phơi mặt ra đường kiếm tiền.
Hương bức xúc trước thái độ của chồng liền hỏi lại: Nếu không có vợ chăm sóc con cái, lo chu toàn chuyện học hành của các em chồng, thuốc thang hàng tháng cho bố chồng thì liệu anh có yên tâm đi làm? Cô còn nói anh ích kỷ chưa từng đặt mình vào vị trí của cô để cảm thông.
Vợ chồng đôi co, Khoa giơ tay tát Hương 2 cái trước sự thất vọng tột cùng của vợ. Đúng lúc ấy thì bố mẹ Hương mang cháo sang cho cháu.
Thấy thế, Khoa lớn tiếng nói ông bà mang con gái về dạy lại, còn nếu cảm thấy không dạy được thì Khoa sẽ dạy.
Bố Hương không giận dữ mà bình tĩnh ngồi xuống ghế nói: “Sở dĩ bố vẫn để con gái bố làm vợ của con bởi bố không muốn cháu mình thiếu thốn tình cảm của bố mẹ.
Không phải bây giờ mà từ khi con Hương là sinh viên bố vẫn bảo nó rằng hôn nhân không hạnh phúc thì mạnh dạn buông bỏ làm lại cuộc đời. Đến nước này thì hôm nay bố sẽ đón con và cháu của bố về”.
Sau đó, bố Hương gọi điện cho người giúp việc ở nhà dọn dẹp nhà cửa, nấu những món ngon để đón con gái về.
Bố Hương xưa nay là người ít nói nhưng một khi nói là làm. Khoa hiểu được ông đang rất nghiêm túc hành động nên tái mặt lí nhí xin lỗi bố mẹ vợ. Vậy nhưng ông vẫn giục con gái nhanh chóng dọn dẹp đồ đạc để về nhà.
Để giữ lửa hôn nhân thì cả hai người đều phải biết đặt mình vào hoàn cảnh của đối phương để thấu hiểu. Trong câu chuyện của vợ chồng Khoa và Hương, mâu thuẫn đã bùng lên từ những tích tụ ấm ức lâu ngày không được giải tỏa. Hành động của bố Hương là cách tốt nhất giúp con gái thoát khỏi bạo lực gia đình.
Theo Thái Hòa/Infonet