Sau sự cố mỳ ăn liền của Việt Nam bị thu hồi ở một số quốc gia hay mới đây là thông tin về việc sử dụng chất cấm trong khoai tây chiên, nhiều người tiêu dùng bày tỏ sự lo lắng với chính những sản phẩm chúng ta đang đưa vào cơ thể hàng ngày - vốn đã là mối quan ngại âm ỉ từ lâu.
Trên thực tế, những sản phẩm này không vi phạm quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, chúng lại không đảm bảo tiêu chuẩn khi xuất khẩu sang nước ngoài. Điều này có thể lý giải như thế nào?
Nguyên nhân của sự thiếu thống nhất
Trao đổi với Zing, tiến sĩ Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT, Đại học Nguyễn Tất Thành, cho hay tính đến thời điểm này, châu Âu đã cấm khoảng 2.000 chất hóa học độc hại trong 13 năm qua, nhiều hơn tất cả vùng lãnh thổ khác. Con số này thậm chí có thể lên tới 5.000-7.000 chất bị cấm khi chúng ta tiến tới năm 2030.
“Mặc dù về cơ bản, quy định của châu Âu và Mỹ rất giống nhau, vẫn có những chất bị cấm ở châu Âu đang được cho phép sử dụng ở Mỹ”, vị chuyên gia nói.
Liên quan trường hợp gây nhiều tranh cãi nhất thời gian qua là ethylene oxide (EO) trong mỳ ăn liền, châu Âu đưa ra giới hạn tối đa là 0,1 mg/kg (0,1 ppm). Trong khi đó, Mỹ đang đặt giới hạn tối đa với chất này cao hơn, ở mức 7 ppm (EO) và 940 ppm (sản phẩm phân hủy của EO là 2-chloroethanol).
|
Giữa các quốc gia phát triển cũng có sự chênh lệch về quy định trong hàm lượng phụ gia. Ảnh minh họa: markus_winkler.
|
TS Minh giải thích: “Có rất nhiều lý do cho vấn đề này. Trong đó phải kể đến nguyên tắc xây dựng tiêu chuẩn của hai vùng lãnh thổ và quốc gia này khác nhau”.
Trong khi Mỹ chú trọng vào “xác suất” một chất có thể gây độc hại, như dùng đến mức độ nào mới gây tác hại sức khỏe, châu Âu lại tập trung tới “khả năng” một chất có thể gây tác hại bất kỳ nào hay không.
Nói cách khác, châu Âu đặt ra tiêu chuẩn rất cao để loại bỏ bất kỳ nguy cơ nào có thể xảy ra.
Ngoài ra, các tiêu chuẩn của Mỹ không được tái kiểm tra, đánh giá lại liên tục như châu Âu. Do đó, một số tiêu chuẩn từ rất lâu không được thay đổi. Các yếu tố như tác động của các công ty sản xuất và thị hiếu người tiêu dùng cũng làm nên những khác biệt này.
“Chúng ta đang nhắc đến những vùng lãnh thổ và quốc gia đi đầu trong việc kiểm soát các hóa chất độc hại nhờ tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, sản xuất, chế biến và phân tích, kiểm định. Trong khi đó, các quốc gia phát triển sau thường không có những quy định chặt chẽ bằng, cũng chủ yếu do giới hạn về mặt kỹ thuật”, TS Minh nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lưu ý ngưỡng chỉ tiêu được đưa ra bởi các quốc gia thường có sai số nhất định do khác biệt ở phương pháp đánh giá và những cơ sở để hình thành quy chuẩn.
Ông cho hay: “Khác với thuốc chữa bệnh, việc đánh giá nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe của các phụ gia thực phẩm chủ yếu chỉ dừng ở mức đánh giá trên mô hình động vật hoặc nghiên cứu quan sát trên người. Rất khó có thể thiết kế các thử nghiệm lớn có đối chứng, mù đôi, giả dược do các vấn đề đạo đức khi đưa vào cơ thể con người những chất có nguy cơ gây hại”.
Đây cũng là lý do rất khó có thể đưa ra các mức giới hạn trực tiếp từ các nghiên cứu. Thay vào đó, các ủy ban thường phải kết hợp nhiều nguồn dữ liệu để đưa ra các con số này.
Vì vậy, giới hạn ở nước này thấp hơn hay cao hơn nước khác sẽ đồng nghĩa các quốc gia chấp nhận mức độ độc hại khác nhau.
Không những thế, những hóa chất như EO còn có rất nhiều lợi ích khi sử dụng trong quá trình sản xuất. Do đó, mức độ kiểm soát khác nhau của các quốc gia còn phản ánh sự cân đối giữa lợi ích và nguy cơ của các hóa chất này.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết mỗi quốc gia sẽ có quy định riêng về hàm lượng phụ gia trong thực phẩm. Các quy định này dựa trên một số cơ sở nhất định sau khi đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng.
Cụ thể, vị chuyên gia cho hay cơ quan y tế của các quốc gia thường dựa vào thẩm định nhu cầu tiêu thụ của người dân để xem xét. Ông lấy ví dụ với Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản cũng như những quốc gia, vùng lãnh tiêu thụ mỳ ăn liền nhiều sẽ có quy định rất chặt chẽ về sản phẩm này.
Hay với Việt Nam, do nhu cầu tiêu thụ gạo của người dân rất lớn, Bộ Y tế cũng đưa ra những tiêu chuẩn an toàn rất cao đối với mặt hàng này.
“Cơ quan y tế dựa trên kết quả thẩm định từ phương pháp thống kê. Theo đó, họ quan sát tình trạng tự nhiên trong cộng đồng xuất hiện một loại bệnh lý. Từ đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục truy gốc nguyên nhân gây bệnh. Nếu nhận thấy nguyên nhân đến từ một chất trong loại thực phẩm nào đó với tỷ lệ nhất định, họ sẽ quy trách nhiệm và tìm cách hạn chế tác nhân đó”, PGS Thịnh nói.
Người dân nên làm gì?
TS Bùi Lê Minh chia sẻ: “Tôi từng ước tính với cách tính rủi ro gây ung thư của EO, từ dư lượng 0,052 mg/kg khi xét nghiệm mỳ ăn liền của Hảo Hảo, một người trưởng thành, nặng 60 kg, cần ăn đều đặn cứ 2 ngày một gói mỳ 80 g, và phải là ăn khô, không nấu hay ngâm nước, ăn liên tục trong suốt cuộc đời, nguy cơ ung thư mới tăng lên 1/100.000, đồng thời làm tăng thêm khoảng 10 bệnh nhân với một triệu bệnh nhân ung thư bình thường đã có (không ăn mỳ)”.
Nếu theo nguyên lý loại bỏ tất cả nguy cơ như của châu Âu, chúng ta có thể hiểu tại sao xác suất rất thấp như trên cũng không được chấp nhận.
Theo vị chuyên gia, tiêu chuẩn của châu Âu có thể được hiểu rằng chúng mang giá trị cảnh báo nhiều hơn ngưỡng gây tác hại rõ ràng. Không phải chỉ với EO, điều này còn áp dụng với rất nhiều hóa chất, phụ gia khác.
|
Chúng ta cần chú trọng vào việc đảm bảo tiêu chuẩn khi xuất khẩu trước. Ảnh minh họa: no_revisions.
|
“Cách làm của châu Âu rất có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng nhưng đây là kết quả của quá trình phát triển định hướng rất lâu dài, không phải được hình thành một sớm một chiều”, TS Minh nhận định.
Ông cho rằng với một nước đang phát triển và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm chế biến nhiều như Việt Nam, việc áp dụng ngay lập tức tiêu chuẩn giống châu Âu lên thị trường trong nước sẽ tác động xấu, do hệ thống sản xuất, chế biến không thể nhanh chóng cải tiến, nâng cấp để đảm bảo. Đồng thời, gánh nặng về chi phí sẽ rất lớn.
Những sự cố thu hồi sản phẩm do không đạt chuẩn an toàn như vừa qua chắc chắn sẽ vẫn còn xảy ra. Tuy nhiên, không phải lúc nào, những sự cố này cũng đồng nghĩa người dân đang phải sử dụng sản phẩm độc hại trong nước.
Để hạn chế những trường hợp như vậy, TS Minh nhận định bước đầu tiên là chúng ta phải nỗ lực thay đổi phù hợp với các thị trường xuất khẩu trước.
“Xuất đi thị trường nào, phải đảm bảo các tiêu chí của thị trường đó, sau đó mới dần áp dụng các tiêu chuẩn này vào thị trường trong nước ở các nhóm sản phẩm phù hợp, theo lộ trình”, ông nói.
Mặt khác, người dân cần trang bị kiến thức về các loại phụ phẩm phổ biến, cập nhật thông tin mới. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá lo lắng, đặc biệt là với các sản phẩm có chất mang lại khả năng gây ung thư.
TS Minh thông tin: “Phần lớn nghiên cứu về khả năng hóa chất gây ung thư có kết quả lâm sàng khác với thí nghiệm trên mô hình động vật, tức là những kết quả ban đầu cho thấy một chất có thể gây ung thư khi được nghiên cứu kỹ hơn lại không thấy dẫn tới ung thư thực tế”.
Vấn đề liều lượng cũng rất quan trọng. Không phải một chất gây ung thư được tiêu thụ ở mức độ nào cũng gây ung thư. Các sự cố lớn về thực phẩm dẫn tới ung thư trong thực tế rất ít.
Việc duy trì chế độ dinh dưỡng đa dạng chủng loại, nguồn thực phẩm và có tỷ lệ cao các sản phẩm tự nhiên cũng đã làm giảm các nguy cơ được nhắc tới.
Theo Quốc Toàn/Zing