Đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng làm ảnh hưởng đến mọi người ở mọi độ tuổi và mọi tình trạng sức khỏe. Nhiều vấn đề trong đại dịch như nỗi sợ nhiễm bệnh, cảm giác bị cô lập, sinh hoạt gián đoạn... đã góp phần khiến nhiều người bị mất ngủ, theo Psychology Today.
|
Chất lượng giấc ngủ của nhiều người ngày càng tệ vì Covid-19. Ảnh: Freepik. |
Giấc ngủ tệ đi vì Covid-19
Một nghiên cứu năm 2023 được công bố trên trang Cerebral Cortex (thuộc NXB Đại học Oxford) cho thấy nhiều người trầm cảm, lo lắng và gặp vấn đề tâm lý nhiều hơn sau đợt dịch Covid-19. Kéo theo đó, tình trạng mất ngủ cũng trở nên trầm trọng hơn.
Nghiên cứu này được thực hiện với khoảng 200.000 người chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong số đó, 33% người làm khảo sát cho biết trước dịch bệnh, họ ngủ rất ngon. Nhưng kể từ khi Covid-19 bùng phát, họ không thể ngủ nổi.
Báo cáo nghiên cứu nêu rằng Covid-19 không ảnh hưởng tệ đến mọi người. Trong khi nhiều người mất ngủ vì Covid-19, dù trước đây ngủ rất ngon, một số người lại nói rằng chất lượng giấc ngủ của họ được cải thiện hậu đại dịch.
Những người có dấu hiệu mắc trầm cảm cũng mất ngủ nhiều hơn. Các nhà nghiên cứu nói rằng phát hiện này không có gì đáng ngạc nhiên vì trầm cảm từ lâu đã được công nhận là yếu tố chính gây ra chứng rối loạn giấc ngủ. Đại dịch chỉ đơn giản là khiến cho tình trạng này trở nên tồi tệ hơn.
Mất ngủ trong giai đoạn Covid-19 cũng có thể liên quan các triệu chứng khác như lo lắng, cô đơn, cảm giác tiêu cực và rối loạn lo âu. Ngoài ra, phụ nữ cũng có nguy cơ mất ngủ cao hơn, họ cũng có nguy cơ mắc chứng sương mù não cao hơn sau khi nhiễm Covid-19.
|
Nhiều người mất ngủ vì một số vùng não thay đổi để chống lại virus gây bệnh. Ảnh: Pexels. |
Lý do Covid-19 gây mất ngủ
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra chi tiết ảnh chụp cộng hưởng từ chức năng (MRI) để tìm hiểu Covid-19 đã thay đổi những gì trong bộ não của chúng ta.
Kết quả, nhóm nghiên cứu tìm thấy mối liên hệ giữa chứng trầm cảm trước Covid-19 và chứng mất ngủ sau đại dịch. Cụ thể, hồi trước trung tâm bên trái, thùy thái dương (phần trên bên phải và phần dưới bên phải) có một số thay đổi bất thường.
Những vùng não này có sự thay đổi về khả năng kết nối. Các nghiên cứu về bệnh nhân trầm cảm trước đây cũng tìm thấy những bất thường tương tự. Không riêng bệnh nhân trầm cảm, người mắc chứng mất ngủ cũng được phát hiện có những thay đổi bất thường về cấu trúc và chức năng ở những vùng não nêu trên.
Các nhà nghiên cứu nêu thêm rằng những vùng não liên quan việc gây ra chứng trầm cảm thường dễ bị tổn thương hơn khi người đó mắc Covid-19. Ngoài ra, tình trạng viêm não kéo dài cũng đóng vai trò lớn trong việc phát triển bệnh trầm cảm.
Sự bất thường trong quá trình xử lý thông tin ở hồi trước trung tâm bên trái, thùy thái dương (phần trên bên phải và phần dưới bên phải) cũng rất phổ biến ở những người mắc chứng trầm cảm và mất ngủ.
Lý do là những vùng não này nhận được "tín hiệu" từ các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin và norepinephrine - chất dẫn truyền góp phần gây ra trầm cảm và mất ngủ.
Cụ thể, serotonin kiểm soát quá trình xử lý, điều chỉnh chuyển đổi giữa các giai đoạn của giấc ngủ. Trong khi đó, norepinephrine lại kiểm soát sự hưng phấn. Sự rối loạn norepinephrine sẽ có liên quan đến chứng mất ngủ ở người.
Nhìn chung, Covid-19 cũng giống như nhiều virus khác, có chung mục tiêu là tồn tại và sinh sản. Đôi khi, chúng không có ý định gây bệnh cho vật chủ. Nhưng một khi Covid-19 xâm nhập cơ thể, cơ thể sẽ có những phản ứng để chống lại. Sự thay đổi tính chất và hoạt động của một số vùng não chính là một trong những phản ứng đó.
Khoảng 1/3 bệnh nhân Covid-19 hiện nay bị mất ngủ, suy giảm nhận thức, mắc chứng sương mù não..., những chứng bệnh đó đều phần nào đó bắt nguồn từ não bộ thay đổi tính chất để chống lại virus gây bệnh.
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại
Theo Thái An/ Znews