Những ngày gần đây, “hội phụ nữ” chúng tôi thường nhắc đến cụm từ “quấy rối tình dục” với một thái độ cởi mở hơn - một tín hiệu đáng mừng theo ý chủ quan của tôi.
Có pháp luật bảo vệ, đồng lòng đẩy lui cái xấu
Liên quan đến cụm từ này, tôi nhớ đến một vài trường hợp mà bản thân đã từng tham vấn tâm lý, nghĩ về một vài sự việc gần đây được đưa lên nhiều tờ báo, và liên hệ đến một trong những vụ kiện lớn nhất lịch sử liên bang Mỹ - gần 30 phụ nữ đã đệ đơn kiện tập thể Nhà máy sản xuất xe hơi Mitsubishi tại Mỹ.
Các nữ công nhân của nhà máy này ở Normal, bang Illinois đã gửi đơn khiếu nại những hành vi tình dục vô đạo đức tại xưởng sản xuất của nhà máy, bao gồm những lời bình luận thô tục, sự hiện diện của những bức vẽ khiêu gợi và hành động sàm sỡ gợi dục.
Khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 quy định quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận.
|
Ảnh minh họa. |
Trong Nghị định 145/2020, Điều 84 nêu rõ các biểu hiện của quấy rồi tình dục trên ba phương diện: Hành vi mang tính thể chất (gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục); quấy rối tình dục bằng lời nói (gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục); quấy rối tình dục phi lời nói (gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử). Nghị định này cũng đề cập đến quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trách nhiệm, nghĩa vụ phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Mặc dù đã được thể hiện rất rõ dưới dạng văn bản pháp luật, tuy nhiên, hành vi quấy rối tình dục trên thực tế vẫn diễn ra âm ỉ và gây ảnh hưởng xấu đến các nạn nhân.
Nhận diện nguyên nhân im lặng
Sau một vài nghiên cứu, tôi nhận ra một số nguyên nhân phổ biến sau:
Thứ nhất: Xấu hổ. Nạn nhân cảm thấy đó là lỗi của chính họ và họ quá xấu hổ để nói với bất cứ ai, ngay cả với những người thân thiết của mình.
Thứ hai: Từ chối hoặc Giảm thiểu: Nạn nhân đang cố gắng thuyết phục bản thân rằng những gì đã xảy ra thực sự không phải một việc lớn, rằng những hành vi như vậy là không sai hoặc thậm chí bình thường trong bối cảnh cuộc sống hiện đại ngày nay.
Thứ ba: Sợ hậu quả. Nỗi sợ mất việc, đặc biệt người quấy rối là cấp trên hoặc đồng nghiệp có thế lực trong công ty khiến nạn nhân lựa chọn không nói ra.
Thứ tư: Vô vọng, bất lực: Nạn nhân cảm thấy như thể việc tố cáo cũng không có ích gì vì họ đã thấy cách mọi người đối xử với những người tố cáo trước đây, theo kiểu “Mọi việc rồi cũng thế, đâu vào đấy hết!”, thậm chí người tố cáo còn bị “trách ngược” theo kiểu “Bé đó/cô ấy phải thế nào thì ông đó/anh ấy mới như vậy chứ!”.
Thứ năm: Hậu quả của những tổn thương tâm lý, trí nhớ. Ngay tại thời điểm xảy ra việc bị quấy rối nạn nhân (có thể vì những lý do kể trên) mà chọn cách im lặng. Thời gian qua đi, những ảnh hưởng tâm lý, trí nhớ khiến nạn nhân không nhớ rõ ràng về sự kiện, đặc biệt hành vi quấy rối tình dục đã diễn ra khá lâu. Điều này khiến người bị quấy rối cảm thấy không tự tin vào chính mình khi tố cáo.
Thứ sáu: Thiếu thông tin. Nạn nhân không có hoặc không biết thông tin để báo cáo sự việc (cáo cáo ở đâu, báo cáo ai, báo cáo như thế nào). Hoặc họ không biết những hành vi quấy rối như vậy có thể được báo cáo.
Thứ bảy: Bảo vệ kẻ quấy rối. Nghe có vẻ vô lý nhưng một góc nào đó trong con người của nạn nhân không muốn kẻ quấy rối mình phải bị ảnh hưởng (như danh dự cá nhân, gia đình, công việc…), bị hủy hoại cuộc đời.
Thứ tám: Tuổi trẻ. Các nạn nhân không trình báo vì họ còn trẻ, theo đó, nhận thực và các kỹ năng xử lý tình huống, bản lĩnh để đối mặt với những sự việc nghiêm trọng có thể còn hạn chế.
Hãy mở lòng, vì chính mình và vì người khác
Vậy làm thế nào để các nạn nhân có thể mở lòng chia sẻ và tố cáo hành vi của kẻ quấy rối? Làm thế nào để phòng ngừa, hạn chế, ngăn chặn hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc? - Đây có lẽ là 2 câu hỏi lớn mà nhiều người đặt ra liên quan đến quấy rối tình dục. Bởi nếu nạn nhân im lặng thì dù chế tài pháp luật hoàn thiện đến đâu thì cũng “lực bất tòng tâm” khi không có cơ sở để xử lý.
Tôi cho rằng sự chung tay của cộng đồng để nạn nhân và mọi người nhận ra hành vi quấy rối tình dục dù ở dạng thức nào cũng không thể được dung dưỡng và phải bị trừng phạt là điều cực kỳ cần thiết.
Hành động tố cáo, ngừng làm việc… với những cá nhân vi phạm những chuẩn mực đạo đức tối thiểu mà một người cần phải thực hiện trong cuộc sống là điều đáng cảm kích khi những cá nhân, tổ chức trong cộng đồng đã chọn bỏ qua lợi ích kinh tế để hướng tới lợi ích lớn hơn cho xã hội, công đồng và chính cá nhân người bị quấy rối.
Xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh nơi làm việc, đặc biệt bộ quy tắc ứng xử trong giao tiếp nơi công sở, quy định hình thức thưởng với người tố cáo hành vi quấy rối tình dục (từ nạn nhân cũng như đồng nghiệp nhận biết sự việc) và quy định rõ hình phạt đối với các hành vi quấy rối tình dục cũng là một giải pháp. Tất nhiên điều này cần được xây dựng dựa trên nguyên tắc đảm bảo tính bảo mật và an toàn cho người tố cáo.
Nạn “quấy rối tình dục” không phải là chuyện của riêng ai, bởi ai cũng có thể trở thành nạn nhân bị quấy rối tình dục, do đó mọi người cần được cung cấp thông tin rõ ràng liên quan đến việc tố cáo: bộ phận/người phụ trách, quy trình, tính bảo mật…
Sự chia sẻ, gợi mở từ phía gia đình và đồng nghiệp trong việc khuyến khích nạn nhân thổ lộ sự việc và cảm xúc bản thân cũng là điều quan trọng.
Thế nhưng quan trọng nhất, bản thân mỗi người phải tự học hỏi về các kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống.
Xét dưới góc độ cá nhân, để đối phó với tình trạng quấy rối tình dục, một trong những cách hữu hiệu là phải nói về vấn đề này trước khi nó trở nên nghiêm trọng. Hiện nay, dịch vụ hỗ trợ tâm lý (trực tiếp và online) rất phổ biến, vì vậy, việc tìm đến chuyên viên tâm lý cũng nên là một cách thức mà mọi người nghĩ tới để hướng đến việc giải quyết vấn đề tâm lý cá nhân.
Hậu quả khôn lường!
Có ít nhất một nửa số phụ nữ bị quấy rối ở một thời điểm nào đó trong sự nghiệp của mình. Ngoài ra, có ít nhất 10% phụ nữ bỏ việc là vì bị quấy rối tình dục. Người bị quấy rối có thể bị stress trong công việc, sa sút tinh thần, mâu thuẫn nghiêm trọng và năng suất làm việc giảm sút.
Nghiên cứu trên nhân viên ở công ty và trường đại học cũng cho thấy ảnh hưởng nghiêm trọng của hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc đến sức khỏe tâm lý, thái độ và thao tác trong khi làm việc của phụ nữ.
Rõ ràng, hành vi quấy rối tình dục ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần, đời sống gia đình, công việc của nạn nhân. Nhưng có lẽ nhiều người trong số đó chọn cách im lặng như một giải pháp, có thể trước mắt hoặc/và lâu dài.
Theo PLO