Đã là phụ nữ, mỗi tháng đến kỳ kinh nguyệt đều mất máu khá nhiều. Tuy nhiên, không giống như người bình thường, cô Hứa, ở Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, không chỉ chảy máu âm đạo mà còn bị đau đầu và chảy máu cam.
Được biết, hiện tượng này bắt đầu từ khi cô Hứa có kỳ kinh nguyệt đầu tiên thủa thiếu nữ. Hiện tại đã là mẹ của hai đứa trẻ nhưng cô Từ vẫn tiếp diễn hiện tượng này, thực sự vô cùng kỳ lạ.
Mỗi lần chảy máu cam và đau đầu đều trùng khớp với kỳ kinh nguyệt kéo dài 6 - 7 ngày. Nếu lượng máu cam đổ ra nhiều thì máu kinh sẽ ít hơn và ngược lại.
|
Ảnh minh hoạ. |
Vốn dĩ cô Hứa không quan tâm lắm đến hiện tượng lạ lùng này, nhưng mới đây, khi bác sĩ Trần Thục Kiều - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân số 3 trực thuộc Đại học Y học cổ truyền Trung Quốc Phúc Kiến đến Tuyền Châu và nghe được bệnh lý của cô Hứa đã cảm thấy vô cùng bất ngờ và nói với cô Hứa rằng, cô mắc phải một chứng bệnh lạ gọi là "kinh nguyệt đảo ngược".
Kinh nguyệt đảo ngược là hiện tượng chảy máu ngoài tử cung theo chu kỳ tương tự như chu kỳ kinh nguyệt. Nguyên nhân có thể là do lượng hormone thay đổi làm cho các mạch máu niêm mạc bị giãn ra, tăng tính dễ vỡ, vỡ và xuất huyết, người ta thường gọi là kinh nguyệt bù trừ.
Kinh đảo ngược xảy ra nhiều nhất ở niêm mạc mũi, chiếm khoảng 1/3 tỷ lệ xuất hiện. Ngoài ra, nó có thể xảy ra ở mí mắt, ống thính giác bên ngoài, da, đường tiêu hóa, ngực và bàng quang.
Trong trường hợp nặng, có thể chỉ có kinh nguyệt bù trừ nhưng không có kinh nguyệt bình thường hoặc kinh nguyệt bù trừ và xuất huyết tử cung ít.
"Cô Hứa bị lạc nội mạc tử cung. Nội mạc tử cung dịch chuyển đến khoang mũi có thể là nguyên nhân dẫn đến kinh nguyệt thất thường", bác sĩ Trần Thục Kiều cho biết.
Qua xem xét, bác sĩ Trần Thục Kiều nhận thấy trường hợp của cô Hứa có thể điều trị và cần dựa trên cơ sở dưỡng âm, thanh nhiệt, khử hỏa. Sau đó, bác sĩ Trần kê một số loại thuốc để dưỡng âm và xua tan hỏa khí, đồng thời giải thích cặn kẽ cho cô Hứa rằng, cô nên ăn ít đồ nóng như các món chiên rán và ớt.
Sau 3 tháng điều trị, hiện tại cô Hứa đã bình phục, không còn chảy máu cam trong kỳ kinh nguyệt, triệu chứng đau đầu cũng thuyên giảm rất nhiều. Bác sĩ Trần bổ sung thêm: "Chỉ cần bạn chú ý hơn đến chế độ ăn uống hàng ngày thì sẽ không cần phải dùng thuốc trong quá trình tái khám".
Kiều Dụ (Theo SH)