Mất không con gái khi thông gia không chịu đưa tiền nạp tài

Google News

Thông gia bảo, nhà tôi quá quan trọng cái vẻ bề ngoài, chỉ muốn "đẹp mặt". Rằng nhà tôi như đang bán con nên lúc nào cũng tiền và tiền.

Chào các bạn!
Vợ chồng tôi năm nay mới sắp phải lo chuyện cưới xin cho con gái đầu lòng nên thật sự chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhà tôi chỉ có 2 con. Con gái tôi năm nay 25 tuổi. Con trai tôi cũng 22. Các con tôi cũng đều có công ăn việc làm ổn định và các cháu rất ngoan ngoãn. Tất nhiên, gia cảnh nhà tôi cũng không quá giàu sang nhưng cũng có của ăn của để ở khu phố.
Sau 2 năm yêu nhau, con gái tôi quyết định tiến tới làm đám cưới với chàng trai quê Hải Dương. Mang tiếng có quê ở đó, nhưng nhà con rể cũng đang ở một ngôi nhà ở ngoại thành Hà Nội. Con rể tương lai của tôi rất hiền lành, biết điều, yêu thương con gái tôi và cũng có công việc ổn định. Tôi không chê con rể tương lai điểm gì cho đến thời điểm này.
 
Vì chuyện đại sự của con sắp tới mà 2 bên gia đình chúng tôi cũng gặp nhau 1 vài lần. Lần nào bên bố mẹ con rể tương lai tới thăm và gặp gỡ, chúng tôi cũng có nhiều thiện cảm. Ông bà thông gia tương lai cũng có vẻ rất biết điều, quảng giao và cũng hết lòng chăm lo cho các con.
Vậy mà hiện nay, ông bà thông gia tương lai đang làm chúng tôi buồn quá. Chẳng là hôm qua, 2 bên gia đình chúng tôi lại gặp nhau để bàn bạc về lễ ăn hỏi của 2 con dự kiến sẽ tiến hành trong 2 tuần tới. Tại buổi gặp này, 2 bên gia đình có bàn bạc về những mâm lễ quả cũng như tiền nạp tài (phong bì lễ đen).
Cụ thể, khi nói chuyện với gia đình nhà gái, bên gia đình nhà trai bảo sẽ chỉ có 5 quả lễ trầu cau, hoa quả, bánh trái thôi. Ngoài ra, không có khoản phong bì nạp tài hay lễ đen gì hết.
Khi nghe thông gia nói đến đây, tôi ngạc nhiên hết sức. Tôi cũng nói thẳng luôn, ở chỗ nhà tôi đang ở thì có phong tục khác. Ngoài lễ trầu cau, hoa quả, bánh trái như trên, ở đây người ta rất coi trọng lễ nạp tài. Lễ này thường là sính lễ nhỏ và thêm một phong bì từ 10-30 triệu tùy theo hoàn cảnh mỗi nhà chứ không ép cụ thể phong bì này phải bao nhiêu tiền.
Tôi không ngờ mới chỉ nói thế mà bên thông gia tương lai lại nổi cáu. Ông thông gia thì bảo, phong tục ở Hải Dương thì lễ ăn hỏi người ta chỉ có mấy lễ trên thôi. Còn không có khoản phong bì nạp tài. Vì thế nhà bên ấy bảo sẽ theo tục lệ này để làm.
Hơn nữa, họ còn bảo tiền nạp tài nếu có thì sao phải nhiều thế. Nhà có điều kiện như nhà bên thông gia thì ông bà bảo số tiền đó không thành vấn đề. Song với các gia đình nghèo khác thì họ lấy đâu ra khoản tiền này để đưa cho nhà gái. Chưa kể đẹp mặt cho thông gia một chút thì các con sau cưới lại phải gánh thêm khoản tiền này thì có đáng không?
Với những lý do đó nên nhà trai nhất quyết bảo không có tiền phong bì nạp tài. Thấy gia đình bên ấy nói vậy, tôi ngao ngán và chán lắm. Song vì con gái nên vẫn cố phải nhẹ nhàng giải thích rằng.
Thứ nhất, tiền phong bì nạp tài ở đây như đã nói là phong tục, là lề thói bao đời ở chỗ tôi. Gia đình giàu nghèo đều theo phong tục này hết nên nhà tôi đòi hỏi phải có trong lễ ăn hỏi dù nhiều dù ít.
Thứ hai, đòi hỏi phong bì nạp tài đó của nhà tôi không quá đáng mà hoàn toàn chính đáng. Con gái tôi nuôi dưỡng bao năm thì khi kết hôn, cháu và gia đình cũng được quyền đòi hỏi sự chỉn chu tối thiểu. Không chỉ có giá trị về vật chất trước mắt họ hàng, quan khách hôm đó mà còn là vấn đề tình cảm, trân trọng thông gia.
Thứ ba, tiền phong bì nạp tài dù vợ chồng tôi yêu cầu vậy nhưng chúng tôi cũng không lấy. Vợ chồng tôi sẽ tự động đưa ngay cho con rể con gái trước bàn lễ để các con làm vốn sau kết hôn chứ cũng không giữ lại đồng nào.
Nhưng thông gia vẫn không nghe các bạn ạ. Thậm chí họ còn nói, nhà tôi quá quan trọng cái vẻ bề ngoài, dân thành thị nên muốn "đẹp mặt". Rằng nhà tôi như bán con nên lúc nào cũng tiền và tiền.
Suốt từ hôm qua tới giờ, vợ chồng tôi buồn lắm. Chúng tôi thấy như nhà thông gia tương lai như khinh thường con gái, khinh thường gia đình tôi. Nếu lễ ăn hỏi sắp diễn ra của con gái như vậy thì cô dì chú bác, hàng xóm sẽ xì xào thế nào đây? Họ bảo tôi ngu ngốc cho không con gái, để thông gia coi thường mất.
Nhưng gia đình 2 bên đang bất đồng về yêu cầu lễ cưới như vậy rồi, vợ chồng tôi có nên “xuống nước” không? Hay cứ làm căng không cưới xin gì hết. Song như vậy thì khác nào người lớn chúng tôi đang làm khổ các con?
Xin hỏi thật, vợ chồng tôi làm vậy có quá đáng không mà thông gia lại đối xử với chúng tôi thế?
Theo Người đưa tin