Thưa chú Ti Vi,
Cháu năm nay 22 tuổi, có cô người yêu rất xinh, hai đứa rất hợp gu. Cháu cũng đã mơ đến một đám cưới. Nhưng giờ tình yêu của cháu sắp “toang” rồi chú ơi!
Chuyện là thế này ạ. Mẹ cháu về nhà hay kể về một bà nào đó mà mẹ rất ghét. Bà này làm chung phòng với mẹ, hay ỷ thế hơn mẹ một tí về ngoại hình, về thu nhập, lại được sếp cưng… Nói chung là cháu không để ý đến chuyện của mẹ, cứ nghĩ phụ nữ hay lắm chuyện. Bố cháu cũng nói mấy bà khó mà thích nhau.
|
Ảnh minh họa |
Bây giờ, thì nguy rồi chú ơi, người mà mẹ cháu rất ghét lại chính là mẹ của bạn gái cháu. Một hôm cháu đến nhà người yêu chơi thì gặp cô ấy, cô ấy hỏi thăm, rồi cô ấy reo lên là biết mẹ cháu, còn biết rõ lắm.
Nhưng mẹ cháu thì chưa biết cô ấy là mẹ của bạn gái cháu. Liệu hai người đàn bà ấy có xui gia với nhau được không chú?
Lòng cháu đang tan nát, bạn gái cháu thì bình thường, cháu cũng không nói gì với cô ấy.
Cứu cháu chú ơi!
Cháu Hấp Tấp
Chào cháu Hấp Tấp,
Khi đọc tâm sự của cháu, quả thực chú được sống lại tuổi thanh niên ngơ ngẩn của mình. Đó là cái tuổi mà người ta như được gắn tới bốn cái động cơ đằng đuôi, cứ thế phăm phăm tiến tới tương lai, chẳng cần xem xét các dữ kiện gì cả.
Như cháu chẳng hạn, ai đời có một người yêu rất hợp nhau, thậm chí đã tính đến cưới nhau, thế mà không hề tìm hiểu xem bố mẹ nhau làm nghề gì, ở đâu; thậm chí đến nhà chơi cũng chưa từng, để đến một hôm mới “vỡ lở” và ngay lập tức đã coi thế là “toang”. Theo chú thì yêu thế còn hời hợt lắm, chưa nên nghĩ đến chuyện cưới hỏi vội.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Người ta đa phần là kết hôn ở tuổi thanh niên, là cái tuổi nhiều sức sống nhưng hấp tấp. Kết quả là rất nhiều cặp vợ chồng trẻ về sau phát hiện mình đã lầm, gia đình tan vỡ từ đó, mặc cho hai bên thông gia đối xử với nhau như bát nước đầy, thậm chí yêu thương nhau vô bờ bến.
*
Quay lại chuyện của cháu, như vậy ta thấy có hai vế rõ rệt, hệt như mô típ kinh điển của hai gia đình Romeo với Juliette, nhưng dĩ nhiên là nhẹ nhàng hơn về mọi mặt.
Vế đầu tiên là tình yêu của hai đứa cháu thì như đã nói, chú nghĩ rằng đó là một tình yêu còn hơi “non”, cần tìm hiểu nhiều hơn về nhau. Theo chú, việc khám phá ra “mẹ em là kẻ thù của mẹ anh” là một điều rất hay, một khi chưa có điều gì được ký kết. Đó là một trở lực vừa nhẹ nhàng (“mẹ anh có cưới mẹ em đâu mà lo!”) lại vừa là một thách thức thú vị, xem thử cháu và bạn gái cháu có thể hóa giải tình trạng này thế nào. Trong quá trình ấy, hai cháu sẽ có dịp quan sát cách “đối nhân xử thế” của nhau. Chuyện ấy mới là quan trọng.
Vế thứ hai của chuyện này là quan hệ của hai người phụ nữ thông gia tương lai. Chú viết tới đây thì thấy cái vế này nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Chuyện ưa nhau, không ưa nhau của phụ huynh hai nhà chẳng liên quan gì đến chuyện hai cháu chọn nhau. Có nhiều thông gia lúc đầu ghét nhau rồi sau ưa nhau, hay ngược lại (và thường là ngược lại). Hiếm hoi lắm ta mới gặp được một ông con rể hay một cô con dâu ưa mẹ vợ/mẹ chồng. Trên mạng đầy rẫy những câu đùa về mẹ chồng/mẹ vợ (thí dụ: “Cần bao nhiêu bà mẹ chồng để làm hỏng một cuộc hôn nhân? Đáp: Một, và chỉ một”). Thế nhưng điều đó cũng chẳng ảnh hưởng gì lắm nếu cặp vợ chồng trẻ đủ yêu nhau mà hợp thành một thế lực để “đối phó” hoặc “hòa giải”.
Tuy nhiên chú nghĩ rằng cháu cần nói thật chuyện này ra với một trong hai người: bạn gái cháu hoặc mẹ cháu; nhưng có lẽ là với bạn gái cháu. Nếu yêu cháu đủ, khi ra mắt mẹ chồng tương lai, bạn gái cháu sẽ có ý thức hành xử sao cho “bác ấy không ghét mình như ghét mẹ mình.”
Còn nếu bạn gái cháu tỏ vẻ thách thức và đòi cháu phải chọn một trong hai như nhiều cô gái (trong phim ảnh) đã từng làm thì sao? Thì lúc ấy ta sẽ có một bài hỏi đáp khác nhé!
Chúc cháu vui với tình yêu, nhưng không quên điềm tĩnh mà quan sát.
Theo Phunuonline