32 tuổi chị T có một cuộc sống hạnh phúc bên chồng và 2 cậu con trai. Những tưởng những giây phút hạnh phúc ấy sẽ kéo dài mãi mãi, nhưng rồi một ngày mẹ chồng ở quê đột nhiên xuất hiện. Bà tuyên bố, từ nay bà sẽ sống cùng con trai và con dâu, bà ở quê một thân một mình mãi cũng buồn.
Từ ngày sống cùng mẹ chồng, cuộc sống gia đình chị T có những thay đổi đến không ngờ. Không khí trong gia đình luôn căng như dây đàn, thậm chí luôn có những cuộc cãi vã khiến chị thường xuyên rơi vào trạng thái stress liên miên.
Có điều đó cũng bởi sự va chạm lớn trong quan điểm sống của ba thế hệ. Mẹ chồng chị trước đây không sống cùng mẹ chồng, nên không thể thấu hiểu và thông cảm cho con dâu. Bà luôn tỏ vẻ không hài lòng khi chê chị vụng về, thậm chí bà còn than thở với hàng xóm “con dâu tôi chậm chạp lắm, tôi mệt mỏi với nó quá”.
Bà cũng không hài lòng về cách nấu nướng, cũng như cách chăm con của chị. Khi chị thường xuyên tắm cho con bằng xà phòng dành cho trẻ thì bà bĩu môi “Tắm nước lá mới mát. Các cô cậu bây giờ lười lắm, chịu khó đi tìm lá mát cho cháu tôi tắm. Cô xem, cái lưng nó đầy nhọt kìa”.
|
Phụ nữ giờ lười quá, sáng bảnh mắt mà không dậy nấu đồ ăn sáng (Ảnh minh họa). |
Khi đó, chị ức lắm. Chị muốn cãi lại bà, nhưng chị sợ chồng chị sẽ phật ý, nên chị không dám thẳng thắn. Cũng bởi chị im lặng, nên khoảng cách giữa chị và mẹ chồng ngày càng xa nhau.
Mẹ chồng vốn không thích con dâu diện váy áo xúng xính, bà chướng mắt nhưng chỉ dám than thở con trai. Tuy nhiên, chồng chị lại ngại sợ mất lòng vợ nên chỉ dám ý tứ bóng gió. Chị cũng không hiểu thông điệp của chồng nên sự việc ngày càng tệ hơn.
Chưa kể mẹ chồng chị tuổi già, nay không ngủ được, sáng nào cũng 5h bà đã dậy. Những khi đó, bà loanh quanh thể dục khoảng 6h bà về nhà, thấy dâu con chưa dậy bà khó chịu ra mặt. Bà cứ lẩm bẩm “Phụ nữ giờ lười quá, sáng bảnh mắt mà không dậy nấu đồ ăn sáng”.
Bực con dâu lắm, bà vẫn không nói thẳng mà lại truyền đạt qua con trai, trách móc con dâu đủ điều. Chồng chị T dần dà thấy mẹ trách móc vợ cũng bắt đầu có cái nhìn khác về cô. Hai vợ chồng xảy ra khẩu chiến, mới đầu chị còn nhẹ nhàng giải thích, nhưng sau đó vì không chịu nổi áp lực, ngọn lửa bực tức trong chị bùng cháy.
Chị giận chồng, trách mẹ chồng đủ điều khiến cuộc sống trong gia đình đảo lộn. Cứ thế, tháng này qua tháng khác, cuộc sống trong gia đình chị trở nên căng thẳng vô cùng. Cho tới một ngày, chị về nhà mẹ đẻ, chị cởi bỏ tâm sự của mình. Chẳng hiểu mẹ chị nói gì, sau đợt đó chị thay đổi hẳn.
Không cáu gắt, chị T luôn nhẹ nhàng với mẹ chồng. Nhiều hôm, khi mẹ chồng nổi cáu, chị tranh thủ khi có 3 người là: chị, chồng và mẹ chồng chị nắm lấy tay bà thủ thỉ nói những lời từ tâm can chị.
“Mẹ ạ, chúng con còn trẻ tuổi có những điều chưa hoàn thiện, mẹ cứ góp ý thẳng với con, con sẽ ghi nhớ và cố gắng thay đổi. Những món con nấu, có gì chưa vừa miệng, không hợp khẩu vị mẹ cứ nói con sẽ bổ cứu. Với vợ chồng con, mẹ là người mẹ tuyệt vời nhất”- chị T thủ thỉ.
Nhiều hôm vắng chồng chị lại thủ thỉ: “Mẹ ơi, nếu mẹ không hài lòng về việc gì đó, mẹ cứ nói với con mẹ nhé! Mẹ đừng nói với anh, anh đi làm nghĩ việc cơ quan đã mệt, về nhà phải nghĩ thêm chuyện gia đình, anh ấy sẽ bị quá tải mà ốm mất mẹ ạ. Hôm qua anh cũng than với con anh phải nghĩ nhiều về chuyện mẹ con mình, anh thấy mệt mẹ ạ. Con thương anh nhiều, con biết mẹ cũng rất yêu anh…”.
Mẹ chồng nghe thế cảm thấy bối rối vô cùng. Bà nhìn con dâu muốn nói điều gì đó, nhưng rồi bà vội vàng vào phòng đóng cửa lại.
Sau đó, chị T cũng cảm ơn mẹ chồng vì đã trông cháu, đón cháu đúng giờ. Chị cũng nhắc chồng thi thoảng đưa mẹ đi dạo chơi đây đó. Chồng chị từ chỗ hay cáu gắt với vợ cũng trở nên nền nã. Anh càng cảm thấy mình có lỗi khi trách lầm cô bấy lâu nay.
Ngày sinh nhật mẹ chồng, chị T bận đi công tác xa nên không kịp tham dự. Chị viết một lá thư dài với lời lẽ cảm ơn mẹ chồng, thậm chí còn dành cho bà những lời nói nhẹ nhàng nhất. Chị cũng không quên gửi cho bà món quà mà bà thích nhất.
Hôm đó, khi đọc thư của con dâu, mẹ chồng chị bật khóc nức nở. Bà chẳng ngờ, con dâu bà lại thấu tình đạt lý tới như vậy. Con dâu bà đã chỉ cho bà rằng, không phải nói nặng nề mới hiểu nhau, mà chỉ cần những lời thẳng thắn nhẹ nhàng sẽ đưa mọi người xích lại gần nhau hơn.
Chị T đã học được từ mẹ mình cách ứng xử khôn ngoan thẳng thắn, khi có mâu thuẫn xung đột với mẹ chồng. Từ hôm đó, hễ có va chạm, sau bữa ăn chị lại thủ thỉ với mẹ chồng, chị không giấu giếm, vì thế tình cảm giữa chị và mẹ chồng ngày được cải thiện, không những thế bà ngày càng yêu mến con dâu hơn.
Chia sẻ về cách hòa giải của người chồng để mẹ chồng nàng dâu hiểu nhau hơn, chuyên gia tư vấn tâm lý, thạc sỹ Lê Thị Thảo (CLB Ngôi nhà & Trái tim) chia sẻ:
Một buổi tối nọ, tôi hỏi chuyện cô bạn thân khi cô có những dòng trạng thái tiêu cực trên trang cá nhân. Sau một lúc tâm sự cô bảo thực sự mệt mỏi với cuộc hôn nhân hiện tại. Mọi ưu phiền không xuất phát từ mối quan hệ với chồng mà nguyên nhân chính từ mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu.
Và điều làm cô thấy buồn nhất là chồng ứng xử thiếu tế nhị dẫn đến những hiểu lầm không đáng có. Mỗi lần thấy con trai vào bếp, rửa chén bà luôn tỏ thái độ bực bội. Anh chồng dù muốn giúp vợ vì công việc căng thẳng và bầu bí nhưng không giải thích và nói suy nghĩ cho mẹ hiểu và thông cảm.
Quả thực không dễ dàng cho người chồng khi phải đứng ở giữa, nhất là sống chung dưới một mái nhà. Tuy nhiên, để giữ được thuận hoà thì rất cần người chồng tế nhị, khéo léo để cả hai bên không thấy mình bị tổn thương.
Một yếu tố hết sức quan trọng là sự lắng nghe từ cả hai phía, nhìn nhận vấn đề khách quan, tránh những va chạm trực tiếp, thỉnh thoảng động viên để mẹ thấy con trai vẫn rất thương yêu mình, dù có vợ thì vẫn trân trọng mẹ. Còn với vợ cũng cần hết sức nhẹ nhàng, giúp nàng hiểu và thông cảm.
Mời quý độc giả xem video:
Theo Người Đưa Tin