Hằng làm dâu ở Hải Dương, còn bố mẹ Hằng sống ở Quảng Ninh. Kết hôn đã được gần 8 năm, nhưng số lần cả gia đình 4 người của Hằng về quê ngoại đông đủ thì chỉ mới có một lần. Con trai lớn của Hằng là Long từ nhỏ đã được nhà nội cưng chiều và bao bọc, bởi Long là cháu đích tôn độc nhất.
Ngay từ ngày Long ra đời, mẹ chồng của Hằng là người sung sướng và hạnh phúc hơn cả. Khi Long đã biết ăn dặm, dần dần ăn cháo và cai sữa, một tay mẹ chồng đi chợ, chế biến, nấu ăn, đút ăn, ru ngủ, tắm giặt cho Long. Người ngoài nhìn vào thì có thể nghĩ Hằng may mắn khi có mẹ chồng chăm cháu, giúp đỡ việc nhà như vậy, nhưng thực ra, vốn là bà “không tin tưởng” để cho Hằng làm những công việc đó chút nào.
Hằng không phải là nàng dâu đoảng, bởi việc nhà, việc chăm sóc con, Hằng đều đã thông thạo, vốn dĩ Hằng sinh ra trong gia đình đông con, nên từ những việc nhà nhỏ nhất, cho đến những việc bươn trải Hằng đều đã làm hết.
Chỉ là, mẹ chồng không tin tưởng “giao” cháu đích tôn của bà cho Hằng, mặc dù đó là nghĩa vụ làm mẹ thiêng liêng nhất Hằng ao ước. Nhiều lúc đưa con đi đâu, hay con bị gì, bà xót cháu và chì chiết, đay nghiến Hằng, Hằng chỉ biết khóc than phận mình.
|
(Ảnh minh họa) |
Long vốn bị say xe, từ nhỏ những lần đi xe là một “cực hình” đúng nghĩa. Chính vì thế mà bà nội xót cháu, không để Long đi xe ô tô mọi lúc có thể. Cưới nhau được 3 năm, Hằng chưa được ăn cái Tết bên ngoại nào, vì lý do theo bà nội nói là “Cháu còn nhỏ không thể đi xa được!”. Mất một tuần liền xin xỏ, mẹ chồng mới đồng ý cho hai vợ chồng về quê ngoại ăn Tết năm đó.
Đến ngày quay về Hải Dương, Long bám ông bà ngoại, khóc suốt cả quãng đường từ nhà ra bến xe, trên xe vừa nôn vừa khóc. Về đến nhà, Long ốm sốt mất 1 tuần. Thế là mẹ chồng đay nghiến và mắng mỏ Hằng suốt thời gian sau đó. Và mỗi lần muốn đưa Long đi đâu xa, Hằng lại phải nghe những lời mắng nhiếc từ mẹ chồng như tát nước: “Cô còn dám lôi nó đi đâu hả?”, “Nó lại ốm lại sốt như lần trước cô có nhớ không?”…
Đã thêm 4 năm trôi qua, cháu nay đã lớn và cứng cáp, Long học lớp 2 nhưng chẳng đi đâu xa bao giờ. Hằng quyết định hè này sẽ đưa hai con về thăm ông bà ngoại bằng được vì đã quá lâu hai ông bà không gặp Long. Tối hôm đó Hằng gõ cửa vào phòng mẹ chồng:
“Mẹ ơi, con muốn thưa mẹ chuyện, chẳng là lâu rồi Long không được về thăm ông bà ngoại. Con muốn xin mẹ cho con hai đứa về chơi với ông bà mùa hè này. Ông bà ngoại cũng tuổi cao rồi không đi xa được. Mong mẹ cho phép con.”
“Cô biết Long nó say xe còn tha lôi nó đi đâu, đi xa như thế cô có đảm bảo Long khoẻ mạnh được không?”, ngay lập tức mẹ chồng cắt lời Hằng.
“Long cũng 7 tuổi rồi mẹ ạ, cháu cũng cứng cáp và khoẻ hơn rồi. Con là mẹ Long mà mẹ lo gì con không chăm được cháu?”
Mẹ chồng Hằng tiến lại gần cô hơn: “Lớn? Lớn gì, nó 7 tuổi còn yếu như thế, cô có biết nó say xe về ốm đau ai chăm không? Cô có nghĩ cho nó mệt nó khó chịu khi đi xe không? Cô làm mẹ đã chăm con được ngày nào lên hồn!”
“Sao mẹ lại nói vậy, cháu nó lớn rồi. Phải rèn cho con đi xe chứ, say rồi phải quen dần. Chứ sau này lớn lên đi xa thì cứ ở nhà này mãi à! Có đi mới quen được, mẹ đừng giữ cháu kiểu thế!”, Hằng bức xúc nói.
“Á à cô dám nói tôi ý không biết dạy cháu hả? Long là cháu tôi, là đích tôn nhà này, cô muốn đi đâu thì đi, đi bao lâu cũng được, đừng hòng lôi thằng Long đi đâu. Hay cô muốn hại Long ốm đau để trả thù tôi? Tôi biết cô khó chịu lâu rồi nhưng không nghĩ cô dã tâm thế này? Có mẹ nào đẩy con vào đau ốm khổ sở không? Sao cô ác thế…”
Mẹ chồng chống nạnh mắng Hằng xa xả, những lời của bà như cứa thẳng vào tim gan Hằng. Hằng ôm mặt chạy thẳng về phòng khóc nức nở. Chồng và con đã ngủ say, Hằng thương cho chính mình, Hằng thương con, nhớ bố mẹ ở nhà mà không biết phải làm sao...
Theo Helino