Mẹ chồng khắt khe với con dâu, lúc bệnh tật không ai ngó ngàng

Google News

"Chỉ mong sau này khi tôi khuất núi, con dâu nó cho con về để đội tang bà đã là may mắn lắm rồi".

Năm nay tôi đã ngoài 60 rồi. Người đầy bệnh tật và có thể chỉ qua được vài cái Tết nữa. Nhưng ở tuổi này, vẫn có những việc khiến tôi cảm thấy ân hận. Chỉ ước thời gian có thể quay trở lại để tôi được một lần sửa mình. 

Chồng mất khi con mới 3 tuổi. Tôi ở vậy một mình nuôi con trai khôn lớn. Chẳng nói thì có lẽ mọi người cũng biết, cuộc sống một mẹ một con vất vả đến thế nào. Ngày đó tôi làm đủ các công việc để nuôi con ăn học. Chỉ mong sau này nó thành tài để báo đáp công phụng dưỡng của mẹ. 

Kỳ vọng vào con trai bao nhiêu, tôi lại càng mong mỏi về một cô con dâu tài sắc vẹn toàn bấy nhiêu. Bởi sau khi ra trường, con trai tôi đã được làm việc cho một tập đoàn nước ngoài với mức lương hàng nghìn đô.

Vậy mà đáp lại, con tôi dẫn về một cô gái gia cảnh hết sức bình thường. Học vấn của con bé cũng không có gì cao, chỉ là một giáo viên mầm non với lương tháng vài triệu.

Me chong khat khe voi con dau, luc benh tat khong ai ngo ngang

Bài chia sẻ. (Ảnh chụp màn hình)

Ngày ấy, tôi kịch liệt phản đối chuyện kết hôn của con. Nhưng ở đời làm gì có cha mẹ nào thắng được con cái. Không chính thức tổ chức đám cưới nhưng con tôi lại giấu mẹ đi đăng ký kết hôn. Hôm ấy tôi đi chợ gặp một cô gần nhà. Thấy tôi, cô ấy kéo lại hỏi nhỏ:

“Này chị, sắp cưới cho con trai mà sao im ắng thế. Bọn em chẳng ai biết gì”.

Lúc ấy tôi sốc lắm, còn hỏi cô ấy nghe được ở đâu. Thế là cô ấy mới kể, hôm đi làm sổ đỏ trên xã thì gặp con tôi đi đăng ký kết hôn rồi. Về đến nhà, tôi gọi điện hỏi con thì câu trả lời cũng y như vậy. Đến lúc đó, tôi mới ngã ngửa ra đấy chứ. 

Việc con trai làm trái ý mình càng khiến tôi có ác cảm với con dâu. Chính vì thế, tôi tuyên bố với cả hai đứa:

“Mẹ chỉ nhận cháu. Đẻ cháu ra thì nhớ đi xét nghiệm, nếu đúng là máu mủ nhà mình thì mẹ nhận. Còn con dâu thì không có đâu”.

Sau khi con dâu tôi sinh con, chúng nó gửi cái phiếu xét nghiệm huyết thống về nhà. Lúc ấy, con dâu tôi còn gọi về nói trong nước mắt:

“Bây giờ thì mẹ hài lòng chưa ạ? Con sẽ không quên ngày này đâu”.

Tình cảm hai mẹ con cũng chẳng khá lên. Còn đối với cháu, thi thoảng nhà có trứng gà hay trồng được ít rau sạch, tôi cũng gửi lên. Chỉ có điều đối với con dâu, tôi vẫn khắt khe hơn cả.

Mấy năm đầu con trai tôi dẫn cả vợ cả con về nhà ăn Tết. Những ngày ấy, tôi chẳng nói chuyện với con dâu câu nào. Con bé gọi mẹ xưng con, còn tôi thì chỉ xưng tôi với chị. 

Những năm sau, con dâu tôi chủ động về nhà ngoại ăn Tết. Tôi cũng thấy hơi trống vắng. Nhưng mỗi lần hỏi thì con trai cũng trả lời rất hời hợt: “Cô ấy về mà mẹ cứ xem như người dưng. Con bảo sang ngoại chơi rồi”.

Thật tình tôi cũng muốn mở lòng với con dâu nhưng chẳng hiểu sao ngày ấy lại cố chấp không xuống nước trước. Để rồi mấy năm gần đây, khi sức khỏe đi xuống trầm trọng mới thấy mong muốn được sống gần con cháu như thế nào.

Nhiều hôm một mình ngồi trong nhà, thấy hàng xóm đón con cháu về ăn uống quây quần vui vẻ, tôi lại chạnh lòng nghĩ đến bản thân. 

Đúng là con tôi vẫn gửi tiền về đều đặn hàng tháng. Nhưng cái mà tôi cần là tình cảm gia đình hơn. Dạo gần đây, xóm tôi ở càng ngày càng vắng vì các ông bà đều đã chuyển lên thành phố sống cùng con trai cả rồi.

Ngay cả cô hàng xóm ở cạnh tôi mấy chục năm nay, hôm vừa rồi cũng sang nhà tôi chào tạm biệt. Trước khi đi, cô ấy còn thương cho hoàn cảnh của tôi:

“Thằng Bắc nó kiếm được thì bác lên mà sống với gia đình nó bác ạ. Chứ mình già rồi, trái gió trở trời không biết đâu được. Còn chuyện mình với con dâu thì dần dần tháo gỡ”.

Nhưng nói thì dễ, làm mới là khó. Tôi vẫn chưa cho con trai một đám cưới. Cũng chưa từng làm điều gì tốt với con dâu. Bây giờ mà bảo lên ở cùng chúng thì có phải mặt dày quá không?

Đợt này, cơ thể tôi bắt đầu rệu rã. Cứ ra viện được vài ngày thì lại phải nằm viện vì bệnh khác. Con trai ở xa, thi thoảng mới về nhà thăm mẹ được 2 ngày lại đi luôn. Thế là chỉ có mỗi mình tôi trong bệnh viện, nghĩ mà tủi lắm chứ. 

Còn con dâu tôi thì cả năm nay chẳng thấy mặt. Ngay cả khi tôi đang nằm viện, nó cũng chẳng ngó ngàng đến chứ đừng nói là về chăm mẹ. Thật ra tôi cũng hiểu cho con bé. Bởi vì sau những chuyện đã xảy ra, tôi tự thấy mình có phần khắt khe.

Nhưng thời gian trôi qua, những việc không muốn thì cũng làm rồi. Tôi chỉ biết chấp nhận thôi. Chỉ mong sau này khi tôi khuất núi, con dâu nó cho con về để đội tang bà đã là may mắn lắm rồi. Vì thế mọi người ạ, ai rồi cũng có lúc già yếu ốm đau. Lúc khỏe đừng dằn hắt con dâu, để về già lại ôm hận như tôi lúc này. 

Theo NQ/ VietNamnet