Mẹ hay khoe trên mạng, con thêm áp lực

Google News

Nhiều người thường khoe con lên mạng để mọi người cùng chia vui. Trong khi đó, nhiều chuyên gia lại khuyến cáo cha mẹ nên cân nhắc kỹ việc khoe con trên mạng.

Tuần trước, vừa tổng kết năm học, chị T.T.H (Nam Định) vừa đăng tấm giấy khen của 2 con lên mạng, trong đó có 1 giấy khen dành cho học sinh lớp 1 và 1 giấy khen dành cho trẻ ở lớp mẫu giáo lớp từ 24-36 tháng.

Dòng trạng thái “Thành thích của các con sau 1 năm cố gắng, nỗ lực đây ạ. Mong các con mãi chăm ngoan, học giỏi, không ngừng cố gắng”.

Dưới bài đăng của chị H. không ít người suýt xoa, khen 2 con của chị học giỏi. Có người vào để lại bình luận bằng điểm số của con mình cũng cao không kém, toàn điểm 9, 10.

Me hay khoe tren mang, con them ap luc

Nhiều trẻ ngại ngùng, xấu hổ với bạn bè vì bố mẹ hay "khoe' thành tích trên mạng xã hội (Ảnh minh họa, nguồn: KT)

Cuối năm, hình ảnh về giấy khen, bảng điểm tràn ngập mạng xã hội, có nhiều phụ huynh “khoe trực diện" nhưng cũng có những phụ huynh viết dòng trạng thái có chút nuối tiếc dù con được thành tích rất cao, nhiều người lại vào bình luận cho rằng phụ huynh này đang "khoe con trá hình”.

Có người nói con giỏi thì nên khoe, thích thì khoe, vì chẳng ai cấm, nhưng cũng có nhiều quan điểm cho rằng, việc khoe con trên mạng đang vô tình tạo áp lực cho trẻ, thậm chí khiến trẻ ngại chia sẻ với bố mẹ.

Trẻ áp lực, ngại chia sẻ vì cha mẹ hay "khoe" trên mạng

ThS Vũ Thu Hà, chuyên gia tâm lý cho rằng, thành tích học tập cũng là một điều riêng tư trong quá trình trưởng thành của trẻ. Để có một môi trường an toàn cho con, cha mẹ nên giữ riêng điều đó cho con, tránh con gặp những áp lực tâm lý với bạn bè do cha mẹ “khoe” điểm trên mạng.

“Có những trường hợp vì phụ huynh khoe thành tích trên mạng, trẻ lại bị các bạn xung quanh chế diễu, không còn sự kết nối bạn bè, cảm thấy xấu hổ khi đến lớp. Khi trẻ càng trưởng thành, càng độc lập với bố mẹ thì lại càng không thích việc bố mẹ đăng những thông tin cá nhân, liên quan đến bạn bè, học tập lên mạng xã hội, đương nhiên trong đó có cả chuyện thành tích.

Xuất phát từ tình yêu thương, khi con cái đạt thành tích cao, bố mẹ cũng sẽ hãnh diện với những công lao mà mình bỏ ra, thế nhưng đôi khi điều đó lại làm tổn thương trẻ, khiến trẻ cảm thấy đó không phải môi trường an toàn. Lâu dần trẻ sẽ mất kết nối với cha mẹ. Điều này cũng khiến trẻ bị thiệt thòi hơn, cô đơn hơn, bởi dù có niềm vui hay những câu chuyện buồn cũng không thể chia sẻ với cha mẹ”, Ths Vũ Thu Hà nói.

Giúp trẻ có niềm vui, say mê với việc học

Theo chuyên gia tâm lý, các bậc phụ huynh có thể tổ chức 1 bữa tiệc nhỏ bên những người thân trong gia đình, tặng quà chúc mừng con thay vì chia sẻ thông tin quá rộng rãi sẽ tạo ra những áp lực tâm lý cho trẻ, cũng như sự cạnh tranh, so sánh giữa các phụ huynh với nhau.

Điều quan trọng nhất, là cần giúp trẻ có niềm say mê, niềm vui khi kết thúc năm học và sẵn sàng bước vào năm học mới.

Với những trẻ có thành tích chưa cao trong học tập, chuyên gia khuyên rằng, bố mẹ không cần quá lo lắng, áp lực, bởi mỗi đứa trẻ đến trường điều quan trọng nhất là được vui, được phát triển năng lực: “Thực tế cuộc sống cho thấy có những trẻ dù điểm số trên lớp không cao nhưng lại có những năng lực khác về xã hội, nghệ thuật, thể thao… Nếu như lúc nào bố mẹ cũng căng thẳng với việc học, đến lúc nào đó trẻ sẽ mất dần cảm hứng học tập, trong khi thế mạnh lại ở một lĩnh vực khác. Do đó, không nhất thiết phải theo đuổi cái gì đó quá vẹn toàn, không nhất thiết phải là điểm 9, điểm 10. Điều quan trọng nhất là để trẻ có niềm vui khi học tập, hiểu được thiên hướng của mình, biết bản thân giỏi ở đâu. Phụ huynh hãy cùng con hiểu đúng năng lực của mình và tìm cách khắc phục những điểm trẻ chưa tốt”.

Chuyên gia Vũ Thu Hà cũng đặc biệt lưu ý phụ huynh nên tránh so sánh điểm số, thành tích của con với bạn bè xung quanh, bởi sẽ khiến trẻ mất đi sự tự tin, động lực và luôn nghi ngờ chính bản thân mình.

“Điểm cao cũng chỉ là một góc độ đánh giá dựa trên điểm số, không có nghĩa là tất cả, cũng không đảm bảo cho sự thành công của con sau này. Với những con bị điểm thấp, cũng không phải cả thế giới sẽ kết thúc. Phụ huynh hãy giúp con có thể học một cách thoải mái và tìm ra điểm mạnh của bản thân mình", Ths Vũ Thu Hà nhấn mạnh.

Để tạo thêm động lực cho con trong mùa hè này, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà gợi ý phụ huynh có thể cho con tham gia các hoạt động trải nghiệm như nấu ăn, tập một môn thể thao… Quan trọng nhất, cha mẹ nên cố gắng dành thời gian để thực hiện cùng con. Dù con có làm tốt hay không, cha mẹ hãy dành cho con sự khen ngợi đúng lúc, để con mạnh mẽ, tự tin. Khi tự tin và có một tâm lý thoải mái, con có thể bước vào năm học mới với những hứng khởi và cảm hứng học tập tốt hơn.

Theo Nguyễn Trang/VOV