70% trường hợp tử vong do ngộ độc Paraquat
Nhìn hình ảnh cậu con trai M.T (sinh năm 1993, Quảng Ninh) đã tỉnh táo trở lại, có thể nói chuyện, bà Hường (mẹ T.) không cầm nổi nước mắt. Theo bà Hường, T. vốn dĩ ngoan ngoãn, hiền lành, tính tình rụt rè.
Bà Hường cho biết, cách đây 1 tháng, bà Hường nhận thấy T. thường buồn rầu lo lắng. Khi bà gặng hỏi thì T. nổi cáu, quát mắng.
“T. là đứa bé ngoan, cách đây gần 1 tháng cháu có những dấu hiệu buồn chán. Không ngờ cháu nghĩ dại uống thuốc diệt cỏ”, bà Hường cho hay.
|
Bệnh nhân Tiến điều trị ngộ độc Paraquat tại Trung tâm Chống độc. |
Tiến được chuyển xuống bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng tỉnh táo, nôn nhiều, cổ họng cực kỳ đau rát… Qua những biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm máu, nước tiểu bác sĩ xác định Tiến bị ngộ độc Paraquat.
Theo Th.s. BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), ngoài trường hợp bệnh nhân Tiến, khoa đang điều trị cho hai bệnh nhân khác bị ngộ độc Paraquat. Một trường hợp bệnh nhân nam tên là Khoa (38 tuổi) và một trường hợp bệnh nhân nữ (75 tuổi) đều bị ngộ độc Paraquat.
Sau nhiều năm công tác tại Trung tâm, bác sĩ Nguyên đã phải chứng kiến nhiều cái chết do ngộ độc Paraquat. Đặc biệt bệnh nhân bị ngộ độc Paraquat thường rất tỉnh táo, chịu đau đớn cho tới lúc tử vong khiến bác sĩ không khỏi ám ảnh.
“Mỗi năm cả nước có khoảng 1.000 ca bị ngộ độc Paraquat. 17 năm gần đây ngộ độc Paraquat rất nhiều và tăng dần qua từng năm. Cụ thể, tại Khoa Chống độc, năm 2013 tiếp nhận 300 ca, năm 2014 tiếp nhận 350, năm 2016 tăng lên 450 ca. 70% số bệnh nhân tới cấp cứu đều bị tử vong”, bác sĩ Nguyên nói.
Sau 3 tháng điều trị mới khẳng định có khả năng sống
Theo bác sĩ Nguyên, để hạn chế nguy cơ ngộ độc Paraquat, nhà sản xuất đã sản xuất thuốc có mùi khó chịu, cho thành phần gây nôn, phân biệt màu sắc (xanh lam/ xanh)… nhưng tình trạng tử vong do ngộ độc Paraquat vẫn tăng.
Những trường hợp ngộ độc Paraquat tới điều trị tại trung tâm Chống độc đều qua đường uống. Hầu hết họ là những người trẻ do buồn chán, có trường hợp giận dỗi bố mẹ hay mâu thuẫn với người yêu…
Hoạt chất trừ cỏ Paraquat là chất cực độc, thuộc nhóm độc 1. Khi vào cơ thể gây tổn thương mọi cơ quan trong cơ thể. Nguy hiểm nhất là khi bị ngộ độc thường bị tổn thương phổi, phổi xơ không phục hồi. Bệnh nhân bị ngộ độc tiến triển nặng dần tổn thương khó thở và tử vong. Trường hợp nặng có thể bị tử vong sau 1-3 ngày. Trường hợp nhẹ có thể sẽ tử vong sau 3 tháng điều trị do tổn thương phổi.
“Tất cả các trường hợp uống paraquat qua đường miệng từ 50ml trở lên đều có nguy cơ tử vong. Ngộ độc qua da trên diện tích rộng mới có khả năng xâm nhập sâu vào cơ thể”, bác sĩ Nguyên chia sẻ.
Ngộ độc paraquat điều trị thường rất khó khăn, chi phí điều trị bao gồm lọc máu, thuốc giải độc… thường từ 50-100 triệu đồng. Tiên lượng của bệnh nhân ngộ độc paraquat thường khó nói trước.
“Bệnh nhân còn chưa khó thở thì còn hi vọng sống, thông thường bệnh nhân ngộ độc paraquat sống qua 3 tháng coi như đã thoát khỏi ải tử thần”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho hay.
Hiện nay, paraquat đã bị cấm tại 40 nước, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, việc cấm paraquat tại Việt Nam mỗi ngày có thể cứu sống được từ 3-4 người.
Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Theo Ngọc Minh/Em Đẹp