Mẹ tôi dạy, ghét cái xấu quá cũng lại là xấu!

Google News

Mẹ tôi trưởng thành vào cái thời con gái không được đi học, nhưng không biết vì sao bà có thể đọc thông viết thạo. Bà ngoại tôi chỉ học mót từ các cuốn vở các con dâu con gái cụ đi học Bình dân học vụ mà rồi cũng biết chữ.

Nhưng ngay cả học mót, tôi cũng chưa hề tận mắt nhìn thấy, dù thời Bình dân 1956 - 1957, tôi đã là đứa trẻ 9 tuổi. Còn bà nội tôi thì tịnh không. Nhưng cụ thuộc các kinh kệ nhà chùa, từng đọc lại cho tôi chép để biếu bà ngoại, những Kinh Bà chúa Ba, Quan âm Thị Kính cho đến khi chép xong truyện Phạm Công Cúc Hoa thì tôi theo bố mẹ lên khai hoang trên Phú Thọ, cũng chấm dứt thế giới tu nhân tích đức mà bà nội vừa đọc chính tả vừa giảng nghĩa lý.
Không, không chấm dứt mà đã trở thành hành trang làm người của tôi, thì phải hơn.
Cho đến nay, tôi cũng không biết vì sao mẹ tôi chưa hề nói một câu tục; bên cạnh những người đàn bà chửi con tục tĩu, vắt vẻo, có vần có điệu. Câu cửa miệng của bà: “Gầm giời nước Nam mẹ không thấy đứa nào dốt (ngỗ nghịch, ham chơi hơn ham làm…) như con!” nếu quy đổi sang người Mỹ đã phải là “Chết tiệt!” hoặc mẹrxàlù của người Pháp.
Tại sao lại là gầm giời, mà không phải cả làng, cả xóm? Không, vì cả làng tôi, cả xóm tôi thì đứa nào cũng ham chơi hơn ham làm, đứa nào cũng ngỗ nghịch. Câu mắng sẽ tự nhiên hình thành sự so sánh trong đầu đứa trẻ, mất ý nghĩa trao truyền.
Vào năm tôi đã lớn, đã có ít chữ nghĩa trong đầu, tôi hay nói và lắm khi hay tranh cãi; tranh cãi thành “có tiếng” và mất lòng nhiều bè bạn. Bố tôi nói, tôi sinh vào giờ xích khẩu, hay cự cãi, hay bị vạ miệng. Mẹ tôi bảo:
- Đi đâu, không phải nói gì cũng được, thì đừng nói. Đừng nói thì được nghe, nghe thêm một điều là khôn lên một tị, chỉ ấm vào thân con. Còn buộc phải nói, thì trước khi cất nhời con phải nhớ điều mình nói chưa chắc đã đúng. Ở đời thiên lý vạn lý, con ạ.
Đó là năm tôi 17 tuổi, vừa dịp kỷ niệm 200 sinh Nguyễn Du; đọc "Kiều" tôi thấm được câu của cụ: Mà trong lẽ phải có người có ta.
Khi đã làm cha, thành ông; tôi mới hiểu rằng, mẹ tôi đem cái lòng quý trọng con người nói chung mà cân đong mọi sự vật. Đó là lẽ phải tự nhiên của con người, chả cần đọc nhiều sách vở. Giờ đây, muốn hội nhập, nhất thiết chúng ta phải tôn trọng ý kiến người khác, đôi khi là khác hẳn. Tôi càng ngẫm ra cái quan trọng là lẽ phải tự nhiên mẹ tôi dạy ngay từ thuở thiếu thời.
Lớn hơn một chút nữa, tôi gặp nhiều điều ngang trái, bất công. Hồi ấy mọi thứ nhu yếu phẩm đều phân phối, từ cuộn chỉ, cái bật lửa đến săm lốp xe đạp. Chúng tôi có ông thủ trưởng tham, tháng trước ông ấy đã được mua bật lửa, cái bật lửa ông vẫn dùng. Vậy mà cuộc họp chuyên môn thứ 5 hằng tuần, ông chỉ dành nửa giờ cho nó, còn dành gần trọn buổi sáng cho việc phân phối 1 cái săm, 1 cái lốp xe đạp và 1 cái bật lửa. Tôi bức xúc quá, vì vừa đói vừa cảm thấy nhân phẩm bị coi rẻ - cái nhân phẩm mà sau này, nhà thơ Vũ Duy Thông làm thành một câu thơ nổi tiếng:
Nhưng từ biệt, chúng mình từ biệt nhé
Anh lại xếp hàng trước một cân cá bể
Vậy là tôi trút giận vào ông thủ trưởng cơ quan. Quên hết lời mẹ dạy, tôi sôi sục nói về thói tham lam, cái lẽ mà nhiều người cũng đã nói nhưng chỉ bóng gió. Rồi, vẫn giọng đùng đùng, tôi nói thêm:
- Vì khó khăn, chúng ta bị coi rẻ về nhân phẩm. Nhưng trên hàng nhân phẩm hạng bét của chúng ta, anh lại là chịu nhục giỏi nhất. Vâng, cái bật lửa này là phần thưởng cho khả năng chịu nhục của anh.
Ông thủ trưởng của tôi tím mặt rồi gục xuống bàn. Cuộc họp giải tán. Về sau tôi cũng quên mất ai đã mua chiếc bật lửa ấy. Nhưng nhớ là câu chuyện đến tai mẹ tôi. Mẹ thở dài, nói:
- Ở đời, ghét cái xấu quá cũng lại là xấu, con ạ. Vợ anh ta ở quê, một nách ba con dại; đêm hôm không thể thắp đèn vì dầu phân phối; con ỉa đái, sốt nóng cần lửa soi. Lại máy bay động dạng suốt đêm thì cần cái bật lửa để còn dẫn con xuống hầm. Con không biết điều ấy, là con bất cận nhân tình. Con rủa sả đau độc thế, là con còn ác nữa.
Tôi hốt nhiên rụng rời. Không chỉ vì ngộ ra chân lý. Còn vì lòng hối hận. Càng về sau, tôi càng nhận ra cái xấu ác của mình buổi sáng thứ 5 ngày nào.
***
Buổi sáng 30 tháng Tư năm 1975. Bố con tôi không thể làm việc gì khác ngoài chăm sóc pin cho cái đài Orionton 9 von có thể nghe được, với “nguồn” là 6 viên pin Con thỏ đã nát bấy và vài cân sắn ngâm trong cái bình ắc-quy ô tô tạo a xit. Để nghe tin Giải phóng Sài Gòn. Đến gần trưa nghe tin toàn thắng thì cả nhà òa lên, sung sướng. Hai em trai tôi đều đang trong đoàn quân đuổi theo quân địch, lại vừa nhận được thư của chúng. Tôi bỏ cơm, sướng quá mà không ăn được. Mẹ tôi nói:
- Ối giời ôi, nằm ngửa đấm với!
Tôi chả hiểu mẹ nói gì, lấy xe đạp ra phố huyện, tính vào làm bát phở Sửu - quán phở tư nhân duy nhất của phố Vàng năm ấy. Nhưng chủ quán đang say rượu, cứ vừa múa dao bầu giữa đường vừa chửi:
- Mẹ cha chúng nó chứ, từ sáng đến giờ tay mình xọc tiết ba con lợn mà cấm được miếng ngon nào vào mồm. Mẹ cha chúng nó chứ.
Tôi đành nhịn đói mà đến nhà bè bạn chung vui.
Khoảng bốn năm giờ chiều đạp xe về đến nhà thì đói lả. Tôi bê cơm mẹ để phần ra, ăn ngấu nghiến. Mẹ tôi lắc đầu mà thở dài:
- Ôi giời ôi, nằm ngửa đấm với.
Trong cái đói lả run người, tôi hiểu câu mẹ nói theo nghĩa đen.
Càng ngày, khi càng khó khăn, tôi càng thấm thía điều mẹ nói.
NHÀ VĂN VĂN CHINH
(Kiến thức gia đình số 4)
Chia Sẻ Chia Sẻ Chia Sẻ Chia Sẻ In
ĐANG ĐƯỢC QUAN TÂM
Báo giới châu Á ca ngợi tinh thần chiến đấu quả cảm của U23 Việt Nam
Nhà tái định cư không ai muốn… định cư
HLV Lê Thụy Hải: “Chúng ta đừng nghĩ sẽ dễ dàng vô địch Đông Nam Á”
Phái mạnh hãy thận trọng khi suy giảm ham muốn
Hành động của Duy Mạnh làm tan chảy hàng triệu trái tim CĐV Việt Nam
Lịch trình về nước của U23 Việt Nam: Không có diễu hành
Xem thêm
Theo NHÀ VĂN VĂN CHINH/Kiến thức gia đình