Bỏng là một loại tổn thương da do nhiều nguyên nhân gây nên như hóa chất, bức xạ, điện, nhiệt,… Không chỉ phá hủy cấu trúc mô da, bỏng còn có thể gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh, cơ bắp và xương nằm bên dưới. Tùy thuộc vào mức độ và diện tích bỏng, chúng ta sẽ có những cách xử trí vết bỏng khác nhau. Tuy nhiên, với các vết bỏng không quá nghiêm trọng, các bạn có thể giảm thiểu sự khó chịu với những nguyên liệu sau:
Nước lạnh
Nếu không may bị bỏng bạn có thể ngâm vết thương trong chậu nước lạnh hoặc dùng gạc lạnh đặt lên vị trí bị bỏng trong vòng 3-5 phút. Lặp lại cách này mỗi giờ bạn sẽ thấy cảm giác đau rát giảm đi rất nhiều.
Lưu ý, không nên dùng đá lạnh vì nó có thể hạn chế lưu thông máu và làm cho các tổn thương trở nên trầm trọng hơn.
Khoai tây
Với đặc tính làm dịu và chống kích ứng, bạn có thể sử dụng những lát khoai tây để giảm nguy cơ mụn nước và đau đớn. Cách làm rất đơn giản, bạn chỉ cần rửa sạch khoai tây, thái lát mỏng hoặc giã nát rồi đắp lên vết thương trong vòng 15 phút. Ngay sau khi bị bỏng, bạn nên áp dụng cách này càng sớm càng tốt để có được kết quả tốt nhất.
Dầu dừa
Các dưỡng chất trong dầu dừa có tác dụng kháng khuẩn, nấm mốc; bảo vệ vùng da bị bỏng khỏi nhiễm trùng.
Bạn có thể kết hợp dầu dừa với nước cốt chanh rồi nhẹ nhàng thoa hỗn hợp này lên vết bỏng và để khô tự nhiên. Trong khi dầu dừa giúp làm lành da thì thành phần axit trong nước chanh sẽ giúp làm mờ sẹo nhanh chóng.
Mật ong
Mật ong vốn được biết đến với đặc tính chống viêm, kháng khuẩn nên nó cũng là một trong những liệu pháp hiệu quả để điều trị bỏng. Bạn chỉ cần sử dụng một miếng gạc sạch thoa mật ong lên và đắp vào vùng da tổn thương trong vòng vài giờ. Lặp lại việc này 3 lần mỗi ngày bạn sẽ thấy ngạc nhiên về hiệu quả của nó.
Nha đam (lô hội)
Phần keo (gel) của cây lô hội có tác dụng làm dịu vết bỏng, giảm viêm nhiễm; kích thích làm lành, tái tạo da do vậy bạn có thể bôi trực tiếp keo lô hội vào khu vực bị bỏng. Ngoài ra bạn có thể thêm bột nghệ vào keo lô hội để tăng cường hiệu quả trị sẹo.
Chất axit tannic có trong trà đen có tác dụng giảm đau rát và khó chịu do bị bỏng. Cách làm rất đơn giản: Bạn chỉ cần giữ túi trà ướt được làm mát đặt lên vùng bị tổn thương hoặc dùng miếng vải sạch ngâm vào nước trà nguội rồi đặt lên diện tích bị bỏng.
Giấm
Thành phần trong giấm có đặc tính khử trùng, giảm viêm nhiễm nên rất hữu ích trong việc chữa bỏng nhẹ. Chỉ cần thấm miếng vải mềm vào nước giấm pha loãng (giấm táo hoặc giấm trắng đều được) rồi đắp nhẹ lên chỗ bỏng bạn sẽ thấy vết thương dịu đi nhanh chóng.
Hành tây
Nước ép hành tây có tác dụng giảm đau, giảm nguy cơ mụn nước cũng như chữa bỏng. Bạn chỉ cần sử dụng một chút nước ép hành tươi xoa lên vết thương và lặp lại cách này nhiều lần mỗi ngày để có được kết quả như ý.
Sữa tươi
Sữa tươi có chứa chất béo và protein, có thể làm dịu vết bỏng, thúc đẩy quá trình làm lành vết thương. Bạn có thể nhúng miếng gạc vào sữa tươi và đắp lên vết bỏng trong 15 phút để giảm cảm giác đau rát. Ngoài ra, các loại sữa chua nguyên chất cũng mang lại hiệu quả tương tự.
Yến mạch
Thành phần phenol có trong yến mạch có tác dụng chống oxy hóa và kháng viêm rất tốt. Do vậy bạn có thể sử dụng yến mạch nấu chín để nguội rồi đắp lên vết bỏng trong 30 phút đến 1 giờ đồng hồ để xử lý các vết bỏng nhẹ.
Theo Minh Hoa/Nguoiduatin.vn