Nhận dạng rau ngót “tắm” hóa chất độc hại bằng mắt thường
Lá rau ngót: Bạn nên chọn rau ngót có lá mỏng nhưng cứng. Tuyệt đối không nên mua lá rau ngót dầy mềm, hoặc lá xoăn lại, bất thường. Đó có thể là rau ngót có phun thuốc bảo vệ thực vật.
Màu sắc: Rau ngót ngon và sạch có màu xanh lá mạ, rau mọc không được đều lá, có một vài lá bị sâu đục. Trong khi đó, bạn nên tránh mua rau ngót có màu xanh sẫm, lá quá non, đều nhau, không có lá nào bị sâu đục lá.
|
Rau ngót ngon và sạch có màu xanh lá mạ, rau mọc không được đều lá, có một vài lá bị sâu đục. Trong khi đó, bạn nên tránh mua rau ngót có màu xanh sẫm, lá quá non, đều nhau, không có lá nào bị sâu đục lá. |
Màu nước rau ngót: Với rau ngót tươi ngon, khi nấu canh, màu nước xanh nhạt và trong, không có màu sắc bất thường.
Trong khi đó, nếu nước canh rau ngót trở thành màu đen ngòm hoặc bị vẩn đục, có nhiều nhớt, nổi váng xung quanh thành nồi thì tuyệt đối không nên ăn vì đó là rau ngót dư thuốc trừ sâu.
Mùi vị: Khi chế biến, rau ngót có mùi vị đặc trưng riêng. Nếu có vị ngai ngái, quá nồng xen lẫn mùi hắc thì đấy là rau ngót đã bị nhiễm chất độc hại, tuyệt đối không được sử dụng.
Khi bảo quản: Rau ngót chứa nhiều thuốc bảo vệ thực vật sẽ rụng hết lá (dù lá vẫn tươi nguyên) và đặc biệt lúc nấu canh, nếu là rau ngót bẩn, màu nước canh sẽ chuyển sang vẩn đục, nhiều nhớt và nổi váng xung quanh thành nồi.
Rau ngót được “tắm” một tuần ba lần
Không cần ở đâu xa, ngay ngoại thành Hà Nội – chỉ cách trung tâm nội thành chưa đầy 10km là bạt ngàn những ruộng rau muống, rau ngót thuộc xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì). Bà Nguyễn Thị Thu – nông dân trồng rau ở xóm Bơ - đang thu hoạch những mẻ rau ngót đầu tiên trong ngày để kịp mang ra chợ Ngã Tư Sở nhập hàng. Khi được hỏi đến hai từ “phun thuốc”, bà Thu phủi tay: “Rau mang ra chợ bán thì rau nào chả phun, không phun thì muội hết lá, rau rất xấu có trời mới bán được!”.
Đặc biệt, loại rau ngót mà bà Thu đang hái được khẳng định tần suất phun lớn nhất bởi dễ bị muội lá và xoăn lá. “Quy trình rất đơn giản: Thông thường, sau khi cắt hết phần non còn mỗi gốc, vẫn phải phun một lượt thuốc để chống muội lá. Nếu rau sạch thì phải 20-25 ngày sau mới được ăn. Còn rau bán thì chỉ cần rau lên mầm non là phun ngay thuốc “Tàu”, mỗi tuần 3 lần. Sau một tuần là tha hồ cắt!” – bà Thu cho biết.
Giá của những loại thuốc này chỉ vài nghìn một gói, bán rất rộng rãi ở bất cứ cửa hàng thuốc BVTV nào ở Hà Nội.
Tại một địa điểm trồng rau ngót khác phường Yên Nghĩa (Q.Hà Đông), nông dân ở đây cho hay ngoài thuốc trừ sâu, rau ngót còn được “tắm táp” thêm thuốc trừ cỏ, trừ bệnh... Gần như 100% diện tích trồng rau ngót ít nhất phải phun thuốc trừ bệnh xoăn lá. Vỏ thuốc trừ sâu vứt ngổn ngang khắp nơi, và bà con thì phải bịt kín từ đầu tới chân để tránh thuốc độc hại vương vào người. Hà Nội có rất nhiều vùng trồng rau ngót phục vụ nhu cầu nội thành như Vân Nội (Đông Anh), Đa Phúc (Sóc Sơn), Văn Đức (Gia Lâm)...
Bên cạnh những khoảnh ruộng rau an toàn theo quy hoạch, rau ngót “bẩn” trồng tràn lan khắp nơi. Mức độ độc hại đến mức bản thân người trồng rau không hề đụng vào dù chỉ một nhánh rau để ăn. Rau để ăn luôn được trồng riêng ở một khu vực khác, cách xa rau trồng để bán.
Lưu ý:
Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia, mùa rau ngót thường bắt đầu từ tháng 7 và kéo dài sang tháng 3 của năm sau. Để mua được rau ngót an toàn, bạn nên mua đúng mùa rau, tránh mua trái vụ.
Nên mua rau ngót ở những địa chỉ uy tín như: Cửa hàng bán rau sạch, siêu thị... Tránh mua ở những quán hàng rong, vỉa hè không đảm bảo an toàn.
Rau ngót cần rửa sạch nhiều lần nước, ngâm nước muối khoảng 15 - 20 phút để hạn chế chất độc hại rồi mới được chế biến như bình thường. Nên đun nấu kỹ để hạn chế những tác động của lá rau ngót có chứa chất độc hại.
Mời quý độc giả xem video:
Theo Khỏe & Đẹp