Khai thác mối quan hệ muốn thuở: mẹ chồng nàng dâu, bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” mới chiếu được 2 tập đã gây sốt từ mạng xã hội ra ngoài đời thực.
Chị em công sở đua nhau bàn tán về những tình huống oái ăm của mẹ chồng - nàng dâu mà bộ phim đề cập đến. Liệu hình ảnh mẹ chồng ngoài đời thực, có thật sự cay nghiệt như trong phim?
Câu trả lời là có nếu như chỉ trò chuyện với những nàng dâu từng sống cuộc đời địa ngục trong sự quản lý của mẹ chồng. Có người còn khẳng định, họ đã trải qua tất thảy cái sự oái ăm, vô lý, cay nghiệt của bà mẹ chồng trong phim, dù chẳng hề tiểu thư, đôi lúc đanh đá thái quá như nàng dâu tên Vân trong bộ phim ấy.
Người đó là chị H.G. (32 tuổi), đem thân đi lấy chồng từ lúc đôi mươi. Chị kể, ngày ấy chưa xây nhà mới, phòng nọ ngăn phòng kia chỉ bằng một tấm rèm mỏng.
Có đêm hai vợ chồng giỡn nhau, bà mẹ chồng thấy “chướng tai gai mắt”, vén rèm xông vào tận nơi nhắc nhở. Ngờ đâu, giữa lúc ấy chị lại đang… ngồi lên người chồng. Vậy là cảnh tượng y như trong phim xảy đến.
“Sao cô dám ngồi lên người con trai tôi? Sao mày để vợ cưỡi đầu cưỡi cổ như thế?”. Mẹ chồng nói rất nhiều nhưng vì quá sợ hãi nên chị nghỉ nhớ được hai câu ấy.
|
Cuộc sống của chị bên cạnh mẹ chồng đầy bế tắc (ảnh minh họa) |
Chị G. tự nhận mình là người hiền lành, người ngoài còn không muốn cãi lại chưa nói đến mẹ chồng. Chị cũng biết mẹ chồng thiệt thòi, chồng mất sớm, đứng lặng nuôi con từ khi còn son sắc. Hiểu rõ, với bà con trai quan trọng đến mức nào nên chị luôn cố gắng nhẫn nhịn.
Nhưng mẹ chồng bao bọc con trai quá, khiến chị không được hưởng phúc làm vợ. Mọi việc trong nhà chị lo cả, chưa một lời kêu ca, vậy mà nhờ chồng xoa bóp một chút cũng bị chửi mắng.
“Có hôm đi làm về mệt quá, mình nhờ chồng bóp chân, ai dè bị bà nhìn thấy. Bà tỏ thái độ ra mặt, rồi nói bóng gió: “Tôi đẻ con trai ra bao nhiêu năm, không thấy nó bóp chân cho. Giờ lại đi hầu đứa con gái đâu đâu”, chị lặng lẽ kể.
Sự cay nghiệt của mẹ chồng chị sẵn sàng “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Thế nhưng, điều khiến chị buồn hơn tất thảy là sự vô lý của chồng, luôn bênh mẹ vô điều kiện. Tủi thân, cô độc, bơ vơ giữa căn nhà không thuộc về mình, chị có cả ngàn lần muốn viết đơn ly hôn.
Ngày cuối cùng chị G. sống trong căn nhà đó là sau khi pha một bát mì tôm cho mẹ chồng. Bà bốc một nắm cát cho vào bát rồi kêu khóc ầm ĩ: “Con dâu nó muốn giết tôi”. Kết quả, hai vợ chồng cãi nhau lớn rồi chị bị đuổi ra khỏi nhà.
“Ngẫm lại mới thấy, bát mì tôm ấy đã cứu cả cuộc đời mình. Bởi, nếu không bị đuổi, chắc mình chẳng bao giờ đủ can đảm ký vào tờ giấy ấy”, chị nở nụ cười đắng chát.
Không phải sống đời “địa ngục” như thế nhưng chị N.C cũng thấy ngột ngạt khi sống chung với mẹ chồng. Mà mọi chuyện đau đầu của chị lại xuất phát từ những lý do rất vụn vặt.
Chị bận rộn nên muốn có người chăm lo cho hai con nhỏ, để rảnh rang kiếm tiền nhưng mẹ chồng chị phản đối với lý do: “Người ngoài chăm con sao bằng mẹ ruột?”.
Phải mất mấy tháng trời, chị C. mới thuyết phục được mẹ chồng cho thuê người giúp việc nhưng khi thuê được rồi thì trong nhà lại xảy ra cả núi chuyện đau đầu.
Mẹ chồng chị to nhỏ với con trai rằng chị tối ngày ra ngoài, không biết chăm lo cho con cái. Khi chị và người giúp việc bất đồng, mẹ chồng chị sẵn sàng mắng mỏ chị, bênh vực người kia.
Cả tháng, hai vợ chồng chị mới có một ngày đi chơi riêng để hâm nóng tình cảm, con cái cũng gửi người giúp việc nhưng mẹ chồng chị lại nhất quyết đòi đi theo.
“Những lúc ấy tôi u uất lắm, thấy cuộc sống của hai vợ chồng bí bách. Chị biết không? Đã có lúc khao khát lớn nhất đời tôi là được sống riêng, được thoát khỏi mẹ chồng…”, chị nói.
Còn cả những tình huống nhỏ nhặt hơn nữa, khiến nhiều nàng dâu ngậm ngùi thừa nhận “khác máu thì tanh lòng”, không thể mơ ước được mẹ chồng yêu thương như con gái ruột.
Ví như chị L. luôn tôn trọng mẹ chồng hết mức, cũng cảm nhận rõ được bà cảm mến nhưng vẫn tủi thân bởi một thói quen của bà. Đó là, ngày nào chị cũng đi làm về trước chồng 1 tiếng đồng hồ, mỗi lần về đều ngang qua phòng bà chào hỏi cẩn thận.
Thế nhưng, phải đến khi chồng chị về, bà mới đưa cho một đĩa hoa quả bảo con trai ăn lấy sức. Mỗi lần như vậy chị lại trộm nghĩ: “Sao mẹ không đưa cho mình từ 1 tiếng trước, không lẽ sợ mình ăn hết phần chồng…”.
“Nhưng nếu nghĩ nhiều thế thì cuộc sống tăm tối quá… Cứ chấp nhận “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, bớt kỳ vọng, cư xử đúng mực là được rồi”, chị cười.
Theo Hạ Nhiên/Dân Việt