|
Ảnh minh họa. |
Sở hữu một hàm răng trắng là chìa khóa then chốt cho một gương mặt rạng ngời xinh đẹp. Vì vậy nhiều chị em không ngần ngại chi tiền cho việc chăm sóc hàm răng của mình.
Mệnh danh là sản phẩm làm đẹp “thần kỳ”, biến hóa hàm răng ố vàng trở nên trắng sứ chỉ với vài động tác đơn giản tại nhà, miếng dán trắng răng đang được bày bán nhan nhản trên mạng xã hội và thị trường với nhiều chủng loại và giá cả khác nhau.
Liên hệ với một shop online bán sản phẩm này, chúng tôi được tư vấn liệu trình dán trắng răng xuất xứ từ Mỹ với giá 390.000 đồng/7 gói sử dụng 7 lần. Chủ shop không ngần ngại khẳng định răng sẽ bật 6 - 8 tông khi sử dụng, cam kết hoàn tiền 100% nếu không đạt hiệu quả.
Sản phẩm còn được giới thiệu không gây kích ứng và không gây ê buốt. Khi sử dụng 2 liệu trình 14 ngày khi răng trắng thì ngưng sẽ giữ được 1-2 năm tương đương tẩy trắng ở nha khoa.
Vậy miếng dán trắng răng có thực sự kỳ diệu và hiệu quả như những lời quảng cáo 'có cánh' trên, chúng tôi đã liên hệ với bác sĩ Lê Ngọc Tuyến - Bệnh viện Răng Hàm mặt Trung ương.
Theo bác sĩ Tuyến, nhiều miếng dán trắng răng hoạt động theo nguyên tắc sử dụng chất tẩy Hydrogen Peroxid được sử dụng trong tẩy trắng răng tại các phòng nha khoa.
Chất này được phép dùng nhưng yêu cầu có nồng độ dưới 20% và trước khi thực hiện phải có sự tư vấn, hướng dẫn cụ thể của bác sĩ nha khoa. Khi sử dụng nồng độ cao hơn thì bắt buộc phải làm tại phòng khám và theo đúng quy trình.
Khi thực hiện tẩy trắng răng tại phòng khám, quá trình tẩy trắng phải tuyệt đối cách ly chất tẩy với các phần mềm nướu (lợi) nếu không nó sẽ gây tổn thương, bỏng và nặng có thể dẫn đến hoại tử .
Vì vậy, việc dán miếng dán trắng răng có chứa chất tẩy trên nếu không kiểm soát sẽ dẫn đến hàng loạt hậu quả không mong muốn như mất men răng; bỏng, tổn thương tổ chức lợi, tủy răng…
Trong trường hợp miếng dán bạn mua có khả năng làm trắng răng trong thời gian ngắn bất ngờ, thì điều này chứng tỏ miếng dán của hãng đó sử dụng nồng độ hydrogen peroxide cao. Và lúc này, hậu quả sẽ lại đi theo một chiều hướng khác.
Ngoài ra, các miếng dán không được thiết kế vừa vặn đúng hàm răng, bởi vậy mà khi dùng, chắc chắn bạn sẽ phải dán đè lên cả nướu hay chất hoá học trên miếng dán sẽ dây sang môi, lợi... Điều này tạo nên phản ứng oxy hóa của Hydrogen peroxide, khiến nướu răng có thể bị đốt cháy nếu sử dụng miếng dán quá lâu hay dán bị sai lệch vị trí, nguy hiểm hơn nữa là gây lở loét dẫn tới hoại tử, tụt nướu... Đáng buồn là một khi nướu răng đã bị tổn hại thì rất khó lòng chữa khỏi.
Do đó, bác sĩ nhấn mạnh, dù các sản phẩm sử dụng tại nhà có thể giúp răng trắng nhưng người làm đẹp cần tới các cơ sở nha khoa để được tư vấn kỹ càng, đảm bảo hiệu quả lâu dài và tránh “tiền mất, tật mang”.
Theo Đời sống Plus/GĐVN