Trong đơn khiếu nại gửi đến báo Phụ Nữ, anh Trần Hữu Chỉ (ngụ đường Phạm Thế Hiển, P.5, Q.8, TP.HCM) bức xúc về việc vợ anh là chị Lê Thị Kim Tiền (sinh năm 1971) đã tử vong tại Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương vào ngày 27/11 sau khi mổ ruột thừa tại đây.
Theo tường trình của anh Chỉ, ngày 24/11, chị Tiền bị đau bụng và đến khám tại BV Nguyễn Tri Phương. Sau khi làm các xét nghiệm máu, siêu âm, bác sĩ (BS) chẩn đoán chị Tiền bị viêm ruột thừa cấp, chỉ định nhập viện và phẫu thuật ngay, lúc đó là 2g30 ngày 24/11. Sau phẫu thuật, chị Tiền bị hôn mê đến 16g30 ngày 27/11 thì tử vong.
“Gia đình thắc mắc thì BS giải thích là vợ tôi bị mắc bệnh tự miễn. Tôi yêu cầu xem hồ sơ bệnh án thì BV chỉ cung cấp bản tóm tắt, trong đó ghi “bệnh nhân (BN) bị biến chứng sốc tim”. Gia đình tôi không đồng ý với trả lời này của BV. Có gì đó không rõ ràng, bất thường”, anh Chỉ bức xúc.
|
Chị Lê Thị Kim Tiền đã tử vong sau khi mổ ruột thừa tại BV Nguyễn Tri Phương. |
Anh Chỉ cho biết chị Tiền trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, hằng năm đều khám sức khỏe định kỳ và không mắc bệnh mạn tính. “Việc BV giải thích vợ tôi mắc bệnh tự miễn là không đúng. Còn nếu như vợ tôi bị bệnh mà BS không thực hiện tầm soát trước khi mổ, dẫn đến biến chứng, gây hậu quả nghiêm trọng thì chính BS phải chịu trách nhiệm. Việc phẫu thuật cắt ruột thừa có thành công hay không? Lý do vợ tôi bị sốc tim và tử vong là gì? Tại sao vợ tôi bị hôn mê từ lúc phẫu thuật và không thể tỉnh lại? Liệu trong quá trình phẫu thuật có bất thường gì xảy ra hay không?...”, anh Chỉ đặt vấn đề và yêu cầu phía BV phải có câu trả lời rõ ràng về cái chết của chị Tiền.
Chiều 9/12, trả lời PV báo Phụ Nữ về phản ánh trên, TS-BS Nguyễn Đình Xướng - Phó giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, cho biết: “Đây là trường hợp cấp cứu, BV phải tiến hành mổ trong đêm. Trước đó, BN Kim Tiền làm xét nghiệm máu, bạch cầu 14.000/mm3 ; chẩn đoán viêm ruột thừa cấp và phải phẫu thuật cắt ruột thừa qua nội soi”.
“Chẩn đoán BN bị viêm ruột thừa cấp và chỉ định mổ là chính xác, BS mổ có năng lực và quá trình mổ diễn biến bình thường. Khi chuyển BN ra phòng hậu phẫu, diễn biến vẫn bình thường. Nhưng sau năm giờ mổ, BN mệt, khó thở, ho khạc đàm hồng, tụt huyết áp. Theo chẩn đoán, BN bị suy tim cấp, hậu phẫu mổ ruột thừa N1. BN được đặt nội khí quản, thở máy, vận mạch và chuyển đến khoa hồi sức tích cực”, TS-BS Xướng khẳng định. Đến 15g ngày 27/11, BN bị sốt cao, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim và đến 16g30 thì BN bị ngưng tim, hồi sức thất bại, BN tử vong.
TS-BS Xướng giải thích thêm: “Thuốc mê phân hủy nhanh tính bằng phút. Nếu có biến chứng gì trong quá trình gây mê thì sẽ xuất hiện ngay trong quá trình mổ chứ không lâu hơn. Trước khi mổ, BN được đo điện tim, chụp phổi nhưng không có dấu hiệu gì. Vì đây là trường hợp cấp cứu nên những tầm soát thông thường khác như siêu âm tim, khám chuyên khoa tim mạch không được thực hiện kỹ như theo mổ chương trình. Đây là quy định của Bộ Y tế, BV không hề làm sai”.
TS-BS Xướng cho rằng, chẩn đoán của BS chuyên khoa tim mạch BN có khả năng bị suy tim cấp là dựa trên kết quả điện tim, trên phim phổi, men tim… chính xác chỉ khoảng 80-90%. Muốn khẳng định chính xác 100% BN bị suy tim cấp thì phải mổ kiểm nghiệm tử thi nhưng gia đình không đồng ý.
“BV khẳng định không có sai sót nào trong quá trình mổ, nhưng nếu phía gia đình BN vẫn chưa đồng ý với trả lời của BV thì có thể làm đơn yêu cầu BV cung cấp hồ sơ bệnh án chi tiết hơn. Trong trường hợp gia đình BN gửi đơn khiếu nại đến Sở Y tế TP.HCM, khi Sở có yêu cầu, BV sẵn sàng hợp tác cung cấp đầy đủ chứng cứ cần thiết”, TS-BS Xướng nói.
Theo Nguyễn Cẩm/Phunuonline