Anh Trịnh Văn B. (Ninh Bình) lấy vợ từ năm 23 tuổi và hơn vợ 2 tuổi. Họ đã có một cô con gái xinh xắn 4 tuổi, nhưng anh B. đang rất chán vợ, tới mức phải chia sẻ với cộng đồng.
Anh B. là bộ đội chuyên nghiệp nên luôn phải sống xa gia đình, vì hoàn cảnh riêng nên vợ con anh ở nhà ngoại để chị tiện đi làm. Mỗi năm anh chỉ về thăm vợ con được 1 - 2 lần, nên mọi việc nhà gần như không trực tiếp cùng vợ giải quyết, một tay chị lo toan tất cả hai bên nội ngoại. Ngày lễ tết, kỷ niệm hay sự kiện gì đó anh cũng gọi điện hỏi thăm vợ con.
Dù cố gắng gắn kết nhưng quan hệ vợ chồng ngày càng thêm rạn nứt. Ảnh minh họa.
Mới sau 5 năm kết hôn mà anh thấy vợ đổi khác nhiều, những cuộc giận dỗi, tranh cãi… làm anh thấy thật sự chán vợ. Có ít ngày về nghỉ mà hai vợ chồng cũng hay cãi nhau, và ngày càng có nhiều mâu thuẫn bởi hai luồng suy nghĩ khác nhau. Dù cố gắng gắn kết nhưng quan hệ vợ chồng ngày càng thêm rạn nứt.
Anh B. vốn trầm tính, hướng về gia đình bằng hành động cụ thể chứ không biết nói những "lời có cánh". Đơn vị cứ phát lương là anh đã ra bưu điện chuyển về cho vợ ngay. Các sở thích cá nhân, các mối quan hệ, nhậu nhẹt…, anh không dám tham gia vì sợ quá đà rồi nợ nần khiến tháng sau lương gửi về cho vợ bị ít hơn – đó cũng là việc anh giúp được gia đình thực tế.
Anh bù đắp sự thiếu vắng chồng nhiều ngày cho vợ bằng cách mỗi lần về phép là dành hết cho vợ con, không đi chơi bù khú bạn bè. Anh cùng vợ dọn dẹp nhà cửa, làm các việc nhà, chẳng nề hà giặt giũ quần áo cho vợ con, tiện thể giặt luôn cho cả bố mẹ vợ. Ăn cơm xong anh xăm xắn rửa bát, quét nhà... Anh muốn đi chợ mua đồ về nấu nướng cho vợ ăn, nhưng vợ không muốn. Anh thích phụ vợ nấu ăn nhưng vợ lại "soi" bảo không được nấu thế này, không được nấu thế kia, và chê bai này nọ… khiến anh hết muốn nấu.
Ở đơn vị anh là người vui vẻ, hài hước, nhưng về nhà muốn đùa giỡn trêu chọc cho vợ vui thì vợ cằn nhằn, trách móc… làm anh phát chán. Và chán hơn cả là vợ hay ca bài "anh vô tâm, ích kỷ, chấp nhặt, không nhường nhịn vợ".
Nhiều lúc anh cũng tủi thân, nghĩ mình là đàn ông có thể hy sinh mọi thứ, làm tất cả mọi thứ để cho người mình yêu nhưng anh thấy vợ đòi hỏi quá nhiều ở anh, không tạo cho anh thấy được vợ yêu quý, tôn trọng. Khi anh căng thẳng thì vợ không cho sự yên lặng, còn cố gặng hỏi, cố làm hoặc nói những điều anh không muốn nghe.
Đã thế hai vợ chồng ở nhà ngoại nên anh còn bị bố mẹ vợ "giám sát" 24/24, khiến những ngày về phép của anh không thoải mái chút nào, cũng không có khoảng riêng để hít thở… Anh chỉ mong mau chóng hết phép để về đơn vị.
Trách cứ nhau càng ít, cuộc sống càng an ổn
Chia sẻ của anh B. đã làm nhiều chị em có hoàn cảnh chồng xa nhà lâu ngày chia sẻ, khi sinh nở, con ốm đau, bản thân vợ khi trái gió trở trời… không có chồng ở bên động viên, an ủi. Khoảng thời gian bên nhau quá ít để hiểu và trò chuyện, động viên, chia sẻ tình cảm yêu đương… Kéo dài như thế thì sao có hạnh phúc, mà còn có thể ly hôn.
Có người khuyên anh B. hãy thay đổi môi trường sống cho vợ con bằng cách đón vợ con lên ở gần đơn vị. Có người bảo vợ chồng trẻ mà xa nhau bằn bặt. Sinh con xong chồng đi biền biệt, thi thoảng mới gọi điện, rồi 1 năm về 1-2 lần thì vợ nào chả buồn tủi, như thế là "có chồng hờ hững cũng như không".
Cũng có ý kiến nói hai vợ chồng ở xa nhau nên mất kết nối, dẫn tới không hiểu nhau, chán nhau. Để cứu vãn gia đình, để con có đủ cha mẹ thì ngay bây giờ hai vợ chồng cần cùng bên nhau trò chuyện, nói ra những suy nghĩ và trao đổi những vấn đề vướng mắc để có lại sự yêu thương, kết nối.
Theo Vera Xuân Hường (chuyên gia tư vấn tâm lý, Giám đốc Công ty tư vấn tâm lý Hạnh phúc Việt), khi vợ/chồng cằn nhằn thì đó là do họ không được quan tâm đầy đủ, yêu thương đúng mực, những nhu cầu chính đáng không được đáp ứng… Nhưng mỗi khi cằn nhằn là một lần vợ/chồng sẽ xa cách nhau hơn. Vì vậy cần dành cho nhau sự quan tâm đúng mực, luôn cho vợ/chồng biết là bạn thật sự vui vẻ, hạnh phúc khi ở bên nhau.
Vợ/chồng đừng có nuôi suy nghĩ ép nhau phải sống theo một khuôn mẫu nào đó, bởi đó là nguy cơ đẩy nhau rời xa hơn. Môi trường quân đội mọi việc kỷ luật, quy củ, trêu đùa thoải mái... Nhưng khi về nhà thì cần thay đổi cho hợp lý, đừng bực dọc, phê bình, trách cứ những chuyện nhỏ nhặt, không vừa ý... Bởi trách cứ nhau càng ít đi thì cuộc sống hôn nhân càng yên ổn.
Tái hiện lại những ngày đầu tán tỉnh nhau để lấy lại tình cảm đẹp. Ảnh minh họa.
Những ngày hai vợ chồng ở gần nhau không nhiều, ngoài dành trọn thời gian ở nhà thì cần quan tâm đến nhau nhiều hơn. Tốt nhất nên học nghệ thuật sống thêm vào tình cảm vợ chồng để đầm ấm hơn. Mỗi ngày hãy:
- Thêm chút quà tình cảm, nhất là lễ tết, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới nhất thiết phải biểu hiện của tình yêu như bông hoa tươi, thiệp chúc mừng… để đối phương xúc động, tăng thêm tình cảm giữa hai người. Hãy trân trọng, khen ngợi những phẩm chất tốt đẹp và tuyệt vời của nhau mà cả hai từng say mê, chinh phục.
- Thêm quan tâm tới vợ hơn: Chồng ở xa nên vợ rất dễ nảy sinh những suy nghĩ buồn tủi tiêu cực, hờn dỗi, tự dằn vặt mình: "Nếu anh ấy thực sự yêu mình, tại sao lại nhẫn tâm để mình mệt mỏi như vậy"? Vì vậy hãy quan tâm vợ hơn, ngay cả khi ở đơn vị đừng ỉ "ở xa" mà bỏ mặc vợ vật lộn với cuộc sống, chăm sóc hai bên gia đình. Ngày nay công nghệ thông tin phổ biến, hãy luôn quan tâm chia sẻ mọi việc, cả sự vất vả, nỗi nhớ nhung... Nhiều chiến sĩ ở biên giới, hải đảo, nước ngoài… vẫn trò chuyện, giám sát, tham gia dạy dỗ nhắc nhở con cái học hành hằng ngày khiến vợ bớt đi âu sầu, thiếu vắng, tình cảm "tuy xa mà gần".
Thêm bình đẳng, tôn trọng quý mến lẫn nhau: Vợ chồng cũng là bạn tri kỷ, mọi chuyện tăng cường thổ lộ, tránh âm thầm để bụng – bởi những ưu tư, phiền muộn trong lòng, không thổ lộ với nhau cũng là cách đang gạt bỏ đối phương ra khỏi tình cảm của mình.
Thêm khoan dung, ngọt ngào: Mọi chuyện hãy lấy khoan dung, tán thưởng, hòa ái bằng lời nói ngọt ngào làm đầu, cần phải độ lượng "chín bỏ làm mười". Cả hai đừng so đo tính toán những chuyện nhỏ nhặt mà dẫn tới nóng nảy, thiếu bình tĩnh sẽ cãi cọ, sau này nghĩ lại sẽ thấy việc cãi nhau chẳng đáng. Không khí vui vẻ, đầm ấm trong chỉ có được khi vợ chồng biết nhường nhịn nhau. Vợ chồng đã ở xa nhau càng cần phải thông cảm, dùng lời nói ngọt ngào, hóm hỉnh để hóa giải giận hờn, giúp sóng lặng gió yên.
Hãy học nghệ thuật hâm nóng tình yêu. Ảnh minh họa.
Theo Chuyên gia Tuệ An (CEO Công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo Hạnh phúc), vợ chồng có hiểu thì mới có thương, có câu:
Hiểu càng sâu thương càng rộng
Hiểu càng rộng thương càng sâu
Theo đó nếu ta không thể thương được một ai đó là ta chưa đủ hiểu họ, muốn hiểu được ai đó cần dành thời gian để lắng nghe họ nói. Quan trọng là bạn có thể lắng nghe ai đó nói hay không khi ta vẫn giữ mãi cái tôi cao vời vợi và luôn nghĩ mình là đúng ?
Các chuyên gia tư vấn hôn nhân gia đình đều cho rằng, khi đã hết tình cảm thì cũng khó gắn kết, nhưng anh B. hãy tạo cơ hội tìm lại hạnh phúc bằng cách hâm nóng lại tình cảm vợ chồng như: Tái hiện lại những ngày đầu tán tỉnh nhau (giúp nhớ lại khoảnh khắc yêu đương ban đầu), để lấy lại tình cảm đẹp và cân bằng. Hay viết thư tình để dễ thể hiện cho vợ biết nàng luôn có vị trí đặc biệt trong trái tim chồng. Thư tình nên viết về những điều chồng thích ở vợ, hãy nói bằng "ngôn ngữ tình yêu" trân trọng, yêu thương để mang lại niềm vui, sự bất ngờ... nhằm thắp lại ngọn lửa tình ấm áp,
Nếu sau những việc làm trên mà tình yêu chưa trở lại thì cần tìm sự trợ giúp của các nhà tư vấn hôn nhân gia đình giàu kinh nghiệm.
Theo Ngọc Hà/Giadinh.net